Multimedia Đọc Báo in

Chuyện chú voi con…

17:16, 02/02/2017

Nằm ven tỉnh lộ 1 (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) bên bờ hồ Đắk Mil thơ mộng có một khu nhà cấp 4 nhỏ, lụp xụp. Nhìn ngoài vào nó chẳng có gì đặc biệt, nhưng ít ai biết, đó là nơi ở của những người đang canh giữ, chăm sóc hai “báu vật” của đại ngàn. “Báu vật” đó là voi Jun (4 tuổi) do dính bẫy của cánh thợ săn bị sứt vòi, mất đế bàn chân đã được nuôi dưỡng ở đây gần 2 năm và voi con Gold (khoảng 1 tuổi) bị rơi xuống giếng được đưa về gần 1 năm. 

Uống sữa, nghịch ngợm như… voi con

Một ngày đầu tháng 11, tôi trở lại khu chăm sóc voi của Trung tâm Bảo tồn voi. Lúc này, nhân viên bảo tồn voi Phan Phú đang dẫn voi Gold đi dạo trong khuôn viên của khu chăm sóc voi. Nhân lúc voi Gold đang bận rộn với việc dùng vòi nghịch nước ở sân, Phú mới có thời gian rảnh để ngồi nghỉ ngơi uống nước. Thấy tôi vừa bỏ điếu thuốc hút dở xuống bàn, Phú nhắc: “Anh hút hết rồi vứt ra xa đi, không “thằng” Gold nó tới nhặt chơi giờ”. Được một lúc, đã thấy Gold lù lù sau lưng. Việc đầu tiên của nó là khua chiếc vòi khắp mặt bàn, cuốn lấy tất cả những vật dụng gì để trên đó, chưa thỏa nó còn leo lên ghế, kê đầu lên bàn. Phú vừa mắng yêu nó, vừa dùng hết sức lực nâng voi ra khỏi bàn để tránh cho nó khỏi bị thương. “Nghịch lắm, thấy cái gì cũng tò mò, ở trong chuồng thì thôi chứ cho nó ra ngoài thì khỏi phải nói, nhà cửa đồ đạc gì cũng lộn tùng phèo với nó”, Phú kể. 

Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi đang chăm sóc voi Gold.
Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi đang chăm sóc voi Gold.

Ngày nào trời mưa không dẫn nó đi chơi thì y như rằng “chàng” ta hết phá phách trong chuồng đòi ra lại nũng nịu quấn lấy nhân viên chăm sóc đòi được rơ lưỡi, sở thích mới của voi Gold. Khi được rơ lưỡi, chú đứng im, mắt lim dim tận hưởng. Có đôi khi hứng chí lên, chú ngoạm luôn ngón tay của nhân viên khi nào đau thét mới chịu buông.

Trong căn nhà cấp 4 cũ, ngoài một ít vật dụng sinh hoạt hằng ngày của các nhân viên bảo tồn voi, không gian còn lại dành để chứa cơ man nào thuốc thú y, nước biển và sữa bột công thức của trẻ em. Chưa kịp thắc mắc sao mua nhiều sữa bột vậy, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi đã giải đáp giùm:  “Sữa để cho em Gold đó. Nhìn nhiều vậy thôi nhưng chỉ được ít ngày là “chàng” uống hết sạch, tiền sữa trung bình mỗi ngày cho voi Gold khoảng 1 triệu đồng. Nó sống nhờ sữa mà. Từ khi nó về với Trung tâm đến nay, nó uống không biết bao nhiêu sữa mà kể”.

Hành trình gian nan 

Voi Gold được tìm thấy vào ngày 28-3-2016, ở dưới giếng của một người dân tại tiểu khu 294, thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (huyện Ea Súp). Khi đó, voi mới chỉ 2 tháng tuổi, nhỏ bé và yếu ớt. Đây thực sự là một “ca” khó cho Trung tâm, vì lần đầu tiên gặp phải trường hợp này nên ai cũng lúng túng. Sau khi họp bàn, tham vấn ý kiến của các chuyên gia quốc tế, phương án tối ưu nhất được đưa ra là thả voi con vào rừng để nó tìm về với mẹ vì voi còn quá nhỏ, để lại nuôi khả năng sống rất mong manh. 

Những ngày sau đó, nhân lực của Trung tâm được huy động tối đa chăm sóc voi con và lần theo giấu đàn voi rừng để tìm địa điểm thích hợp thả voi con trở lại. Sau nhiều lần bất chấp nguy hiểm, chờ đàn voi đến gần rồi thả voi con ra nhưng voi mẹ không nhận con, Trung tâm phải đưa voi về chăm sóc. Và “cuộc chiến” để giành giật sự sống của voi con khi phải rời xa mẹ sớm bắt đầu. “ Ngày xưa các thợ săn voi chỉ chọn bắt những con có độ tuổi từ 2-4 năm, chứ không bắt con nhỏ tuổi vì khả năng sống không cao, còn voi Gold chỉ 2 tháng tuổi, khi nuôi ai cũng ái ngại cho khả năng sống của nó”, ông Luân giải thích.

Trung tâm xác định đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để nghiên cứu, nâng cao năng lực chăm sóc, bảo tồn voi cho các cán bộ, nhân viên của đơn vị, nên huy động mọi tiềm lực để cứu voi. Lúc này, Trung tâm thiếu thốn đủ bề, từ phương tiện đến nhân lực, nhất là những cán bộ có chuyên môn về chăm sóc voi. Nhưng may mắn, trường hợp voi Gold lại được các chuyên gia về voi hàng đầu trên thế giới đặc biệt quan tâm, họ đã giúp đỡ và xây dựng một quy trình chăm sóc nghiêm ngặt cho voi. Hằng ngày các chỉ số liên quan đến tình trạng sức khỏe của voi, từ màu sắc của phân, nước tiểu, đến giờ giấc ăn ngủ… đều được cập nhật qua Email cho các chuyên gia, qua đó họ giúp đánh giá tình hình của voi để điều chỉnh cách chăm sóc cho phù hợp. 

Lúc mới về, voi Gold chưa ăn được gì, chỉ uống sữa. Cứ 2 tiếng, cho uống sữa một lần, mỗi lần khoảng 1,5 lít nên các nhân viên Trung tâm phải thay nhau túc trực ngày đêm.  Ngoài ra, họ còn phải ngồi vuốt ve, âu yếm cho voi nó mới chịu đi ngủ vì ở trong tự nhiên, voi con khi ngủ sẽ có mẹ nằm bên cạnh, do đó họ cũng cố gắng tạo sự gần gũi, thân thiện với nó, và bây giờ voi đã coi những người chăm sóc giống như mẹ của nó. Đến nay, sau gần 1 năm chăm bẵm, Gold đã ăn dặm được chuối chín, lớn và khỏe mạnh hơn rất nhiều so với ngày mới đưa về. 

Tìm “bảo mẫu” cho voi con

Trong chuyến đi này, tôi may mắn được gặp bà Erin Ivory chuyên gia cao cấp về huấn luyện voi của Vườn thú Noth Carolina (Mỹ), đang hỗ trợ các nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi huấn luyện voi Jun (4 tuổi). Bà Erin là một vị khách quen thuộc của Trung tâm. Hơn 1 năm nay, bà đã 6 lần bỏ tiền túi sang Việt Nam để tập huấn cho các nhân viên Trung tâm những kỹ năng về huấn luyện voi, kiểm soát hành vi của voi. Tôi hỏi bà như trường hợp của voi Gold trên thế giới đã có nơi nào nuôi thành công chưa? Bà nói rằng: “Đã có nhiều nước nuôi thành công những voi con nhỏ trong môi trường bán hoang dã. Đối với Gold, dù đất nước các bạn còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn nhưng đã rất nỗ lực trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc nên voi phát triển rất tốt. Tuy nhiên, để voi có thể tự ăn uống trong thời gian tới thì phải tìm cho nó một “bảo mẫu” vì trong môi trường hoang dã, voi con khi tập ăn nó ăn lại phân của voi mẹ, và học những kỹ năng tìm kiếm thức ăn từ việc quan sát voi mẹ. Vì vậy cần tìm một con voi cái cho thả cùng với Gold để nó có thể học những kỹ năng cần thiết”. 

Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi cho biết hiện nguồn kinh phí để thuê voi về làm “bảo mẫu” cho Gold quá lớn, vượt ngoài khả năng của Trung tâm. Do đó, các nhân viên chăm sóc voi đang thử lấy phân của voi Jun đưa vào trong chuồng để voi Gold tập ăn nhưng nó không chịu. Trung tâm đang liên hệ với Vườn Quốc gia Yok Đôn mượn voi của đơn vị này về giúp Gold.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc