Multimedia Đọc Báo in

Cư Ni nỗ lực giảm nghèo

16:16, 14/02/2017

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, xã Cư Ni (huyện Ea Kar) đã quan tâm triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ và tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Qua đó đã tạo thêm động lực giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ thiết thực

Với 5 miệng ăn trong nhà nhưng chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng và việc làm thuê nên chưa khi nào gia đình anh Y Tôn Niê – từng là hộ nghèo nhất buôn Ea Knuốp dám nghĩ đến chuyện sửa sang căn nhà gỗ cũ cho đỡ xiêu vẹo, dột nát. Năm 2010 gia đình anh được hỗ trợ 11 triệu đồng, vay thêm 8 triệu đồng lãi suất thấp để làm nhà theo Chương trình 167. Đồng thời, anh em dòng họ cũng cho vay 20 triệu đồng giúp xây dựng căn nhà rộng trên 30 m2. Không những vậy, gia đình anh còn được hỗ trợ 1 con bò giống từ Chương trình trợ giá, trợ cước và vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi heo. Từ sự hỗ trợ trên đã giúp gia đình anh đã thoát nghèo và có điều kiện chăm lo cho 3 con ăn học.

Từ khi có tên trong danh sách hộ nghèo của xã năm 2013, gia đình chị Đinh Thị Huê (thôn 9) đã nhận được nhiều sự trợ giúp phát triển kinh tế. Không chỉ được Ủy ban MTTQ xã hỗ trợ 1 con bò trị giá 20 triệu đồng, gia đình chị còn được vay 20 triệu đồng đầu tư chăm sóc 2 sào cà phê xen tiêu. Nhờ vậy, cuối năm 2014, đến nay gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của thôn.

Từ nguồn vốn được vay, chị Đinh Thị Huê (thôn 9) đã đầu tư chăm sóc 2 sào cà phê xen tiêu.
Từ nguồn vốn được vay, chị Đinh Thị Huê (thôn 9) đã đầu tư chăm sóc 2 sào cà phê xen tiêu.

Đưa chúng tôi đi thăm quan vườn rau xanh tốt, chị Nguyễn Thị Liên (thôn 10) hồ hởi: “Nếu không có nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì gia đình tôi không thể phát triển được mô hình trồng rau xanh hiệu quả”. Từ nguồn vốn được vay, chị Liên đã đầu tư cải tạo lại ao cá nhằm cải thiện bữa ăn và có nguồn nước phục vụ trồng rau. Nhờ vậy, chỉ với 1 sào đất trồng các loại rau thơm, dưa leo, cà tím, cải xanh, cải ngọt… đem lại nguồn thu vài chục triệu đồng mỗi năm. Từ số tiền trồng rau tiết kiệm được, cuối năm 2015 chị đã xây dựng căn nhà mới với kinh phí hơn 70 triệu đồng, cuộc sống bớt phần lo toan, thiếu thốn.

Dồn lực giảm nghèo

Xã Cư Ni hiện có gần 4.200 hộ với 18.080 khẩu. Cuối năm 2011, toàn xã có 672 hộ nghèo, tập trung chủ yếu ở 3 buôn Ea Knuốp, Ea Păl, Ea Ga. Qua khảo sát cho thấy, đa số hộ nghèo do thiếu tư liệu sản xuất, lao động, vốn và kinh nghiệm sản xuất... Thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, xã đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, phân công thành viên phụ trách từng địa bàn nắm tình hình thực tế, phúc tra bình xét hộ nghèo công khai minh bạch, phân nhóm đối tượng để có hình thức hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Đồng thời, cấp ủy Đảng, chính quyền xã cũng tập trung triển khai các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo. Trong đó, riêng chương trình tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo vay vốn với tổng dư nợ đến cuối năm 2016 gần 50 tỷ đồng phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và chăm lo việc học tập cho con em. Không chỉ được vay vốn, trên 3.500 lượt người nghèo đã được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Những hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã còn được quan tâm tạo điều kiện học nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cứu đói giáp hạt, cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ tiền điện, làm nhà ở theo Chương trình 134, 135, 167…

Chị Nguyễn Thị Liên phát triển hiệu quả mô hình trồng rau xanh từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chị Nguyễn Thị Liên phát triển hiệu quả mô hình trồng rau xanh từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Từ Chương trình trợ giá, trợ cước đã có hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản và giống cây trồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi với tổng số tiền trên 556 triệu đồng. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chú trọng phát huy vai trò của các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy nguồn lực trong dân cùng giúp nhau thoát nghèo. Ngoài ra, các cấp, ngành và chính quyền địa phương còn quan tâm đầu tư gần 3,4 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, sửa chữa kênh mương, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho các thôn, buôn đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện đời sống người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Ni, để công tác giảm nghèo thực sự bền vững, thời gian tới các ngành hữu quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn xã, tăng mức cho vay phát triển sản xuất và nhất là có chính sách tạo việc làm cho con em người dân tộc thiểu số. Về phía địa phương cũng sẽ tập trung huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ người dân về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, nhưng quan trọng hơn cả chính là sự hợp tác, tự lực vươn lên của hộ nghèo.

Trong 5 năm (2011-2015), xã Cư Ni đã giảm được 498 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm từ 5 - 6% hộ nghèo, đời sống của đa số người dân đã ổn định hơn trước. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, toàn xã vẫn còn 694 hộ nghèo và 236 hộ cận nghèo.


Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.