Đất níu chân người
Buôn Ma Thuột đất đỏ bazan trù phú, giàu truyền thống văn hóa có sức hút mãnh liệt đã níu giữ bao người trở nên gắn bó với mảnh đất này.
Nhớ hương vị cà phê đậm chất Ban Mê
Những thực khách từng đến quán Zen coffee trên đường Y Bih Aleo (TP. Buôn Ma Thuột) khó quên hình ảnh một nam phục vụ người nước ngoài nhanh nhẹn, vui tính. Anh là Kazaza Hayashi học viên cao học Trường Đại học Kyoto (Nhật Bản) sang Việt Nam thực hiện luận văn thạc sĩ về đề tài “Cà phê Robusta Việt Nam được sản xuất và tiêu thụ như thế nào”.
Anh Kazaza đã đi đến các vùng sản xuất cà phê trong tỉnh như: Krông Pắc, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ, Cư M’gar, Krông Ana, TP. Buôn Ma Thuột… gặp gỡ bà con nông dân để tìm hiểu về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê; đến nhiều cửa hàng nông sản nắm bắt thị trường tiêu thụ và xin làm nhân viên phục vụ ở quán cà phê để trải nghiệm nét văn hóa, phong cách uống cà phê của người Việt, quan trọng hơn là học tiếng Việt.
Giờ học tiếng Anh do thầy giáo Timohty giảng dạy. |
Anh Kazaza cho biết, không như ở Nhật Bản, người Việt thưởng thức cà phê trong khi làm việc, bàn chuyện với đối tác, trò chuyện cùng bạn bè, người thân, hay lúc giải trí… Vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc dịp lễ, các quán cà phê đều đông khách. Đây là một đặc trưng văn hóa của người Việt Nam, của Đắk Lắk. “Tôi đã uống cà phê ở nhiều nước, nhưng khi thưởng thức cà phê Buôn Ma Thuột… khó có thể quên được vị thơm lừng, khác biệt”, anh Kazaza nói.
Trước khi sang Việt Nam anh Kazaza đã đến Indonesia để tìm hiểu, nghiên cứu về cà phê Robusta. Kazaza so sánh, cùng sản xuất cà phê, nhưng nông dân Indonesia đều có ôtô, còn ở Việt Nam nhiều nông dân chưa có xe ôtô trong khi diện tích, sản lượng cà phê nhiều hơn. Sau 3 năm gắn bó với Đắk Lắk, với cây cà phê, Kazaza đã tìm được câu trả lời. Nông dân Indonesia sản xuất cà phê theo chứng nhận quốc tế, còn nông dân Việt Nam chủ yếu trồng, chế biến cà phê theo phương thức truyền thống; mặt khác nông dân Việt Nam ít có cơ hội đàm phán giá cả với các công ty thương mại. Giải quyết hai vấn đề trên chắc chắn đời sống người trồng cà phê Việt Nam sẽ nâng lên.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa Kazaza sẽ về nước để bảo vệ luận án thạc sĩ kinh tế, anh sợ mình sẽ quên tiếng Việt do vậy thời gian này anh đến Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học New Star nhiều hơn để giao lưu với các học viên đang học tiếng Nhật; đồng thời chia sẻ những hiểu biết về đất nước, con người, văn hóa Nhật với các học viên. “Tôi gặp khá nhiều khó khăn khi đến Việt Nam do bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa. Tôi muốn giúp những thanh niên Việt Nam có nguyện vọng sang Nhật học tập, làm việc có thêm kiến thức, kinh nghiệm” - Kazaza nói.
“Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”
Dự tính chỉ qua Việt Nam một năm để giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” nhưng rồi đất và người cao nguyên đã “níu chân” lâu dài thầy giáo Timohty Shapiro Scott (người Mỹ) khi mới đây anh đã kết hôn với một cô gái Buôn Ma Thuột.
Thầy giáo Timohty (mọi người vẫn quen gọi là thầy Tim) hiện là Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường Tiểu học - THCS-THPT Hoàng Việt. Trước đó, thầy Tim từng giảng dạy tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Ocean và Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Anh Kazaza (bìa phải) với học viên Trung tâm Ngoại ngữ -Tin học New Star. |
Công việc của thầy giáo Tim ở Trường Hoàng Việt khá bận rộn. Ngoài lịch dạy chính khóa, thầy giáo Tim còn dạy miễn phí cho những học sinh có năng khiếu tiếng Anh và dạy kèm cho các em học yếu ngoài giờ hành chính. Tim nói: “Tôi yêu công việc này và không hề thấy mệt mỏi. Nếu một ngày không đến trường, không gặp học sinh tôi thấy buồn lắm!”.
Thầy Tim có phương pháp tổ chức, giảng dạy ngoại ngữ rất độc đáo, đặc biệt là rất biết cách khích lệ, động viên học sinh chủ động, tự tin trong học tập. “Tốt, tốt lắm”, “Wow! Em học thêm được một từ mới rồi” là những câu cửa miệng của thầy giáo Tim làm cho giờ học tiếng Anh sôi nổi, hào hứng hơn. “Ban đầu không ít học sinh thiếu tự tin, không thích đến lớp do thầy Tim dạy, nhưng sau vài buổi học, các em bắt đầu yêu thích môn tiếng Anh, tìm gặp thầy Tim để được nói tiếng Anh”, một đồng nghiệp của thầy Tim nhận xét. Còn với đồng nghiệp, thầy Tim rất biết cách truyền cảm hứng và khích lệ mọi người nỗ lực hơn trong công việc.
Thầy giáo Tim chia sẻ, học sinh Việt Nam nói chung và học sinh Đắk Lắk chưa mạnh dạn nói tiếng Anh là do các em được dạy quá nhiều về ngữ pháp và ít có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài. Trên cơ sở chương trình khung môn tiếng Anh của Bộ GD-ĐT, thầy Tim biên soạn, bổ sung thêm một số bài tập để rèn luyện kỹ năng nghe, nói cho học sinh. “Tim ăn trưa tại trường và đến tối mịt mới về nhà. Vợ, đồng nghiệp nhiều lần động viên phải ăn uống điều độ, Tim đều gạt phăng: Về nhà ăn mất thời gian. Ăn tại trường để học sinh có nhiều thời gian nói chuyện với thầy hơn!”- cô giáo Trần Thị Kim Loan, một đồng nghiệp của Tim nói. “Bất lực” trước ông chồng “bướng bỉnh”, mỗi buổi trưa vợ thầy giáo Tim đành đưa cơm đến trường cho chồng.
Công việc ở trường bận rộn, nhưng vào ngày nghỉ cuối tuần thầy Tim lại vào bếp học nấu một vài món ăn Việt để “chiêu đãi” vợ. “Anh ấy giỏi nhất là luộc thịt trong món bánh tráng cuốn thịt luộc! - vì em quê gốc Bình Định!”, vợ Tim dí dỏm nói, còn Tim bập bẹ tiếng Việt: “Vợ ở mô, thủ đô ở đó!”.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc