Khi bác sĩ giải thích tận tình cho người bệnh…
Hầu hết bệnh nhân khi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế đều muốn biết rõ, tường tận tình trạng bệnh của mình. Trong rất nhiều trường hợp, sự giải thích cặn kẽ, dặn dò người bệnh một cách chi tiết, cẩn thận lại là liều thuốc tinh thần có tác dụng trấn an, tạo sự yên tâm điều trị cho bệnh nhân. Song, trong thực tế, đáng tiếc là không phải lúc nào các bác sĩ cũng làm được điều đó…
Như trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Lợi (tạm trú tại thôn 2, xã Bình Thuận, TX. Buôn Hồ) tưởng chừng rất phức tạp, hóa ra lại nằm ở chỗ… chưa có sự hiểu nhau giữa bác sĩ và bệnh nhân. Giữa tháng 9-2016, chị Nguyễn Thị Anh Văn - vợ anh Lợi được đưa vào khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chẩn đoán có sỏi thận 6 mm bên thận trái và được mổ nội soi để lấy sỏi. Sau mổ vài ngày, vết mổ chảy nước, chị Văn được đưa đi chụp phim lại thì tiếp tục phát hiện sỏi bên thận trái, người nhà đặt ra nghi vấn là liệu lúc mổ bác sĩ có lấy sỏi ra hay kông. Anh Lợi bức xúc: “Bác sĩ giải thích có thể lúc chụp phim không thấy rõ, khả năng có 2 viên sỏi nên cần phải mổ lại để lấy tiếp sỏi ra. Tuy nhiên, khi tôi hỏi là mổ nữa có lấy hết được sỏi ra không thì bác sĩ bảo chưa chắc bởi sỏi có thể chạy lên chạy xuống (!). Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, lần mổ đầu chúng tôi đã gom góp mãi mới được 11 triệu đồng chi phí cho ca mổ, bây giờ chẳng còn tiền để mổ nữa. Tôi cho rằng chẳng phải có 2 viên sỏi gì hết mà lần mổ đầu bác sĩ không lấy được sỏi ra”. Hóa ra, khi bác sĩ giải thích tận tình, thậm chí vẽ cả sơ đồ giải thích bệnh trên giấy thì mọi việc rất dễ hiểu: chị Văn có sỏi ở niệu quản kèm sỏi nhỏ trên thận và chị được mổ nội soi để lấy sỏi niệu quản, giải phóng tình trạng ứ đọng nước tiểu bởi không thể lấy cả hai viên sỏi cùng lúc, viên sỏi nhỏ sau này sẽ được uống thuốc để tan ra và thoát ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên, sau khi mổ xong, viên sỏi nhỏ trên đài thận bất ngờ rơi xuống, các bác sĩ đã đặt xông nòng để giữ cho vết thương khô ráo và chờ khi thuận lợi sẽ mổ tiếp để lấy nốt viên sỏi kia ra. Cuối cùng, sau khi được giải thích kỹ càng, gia đình anh Lợi cũng đã hiểu; các bác sĩ đã giúp anh làm đơn xin miễn viện phí và hứa sẽ mổ lấy viên sỏi còn lại ra nếu gia đình anh có nhu cầu. Các bác sĩ cũng cho rằng có thể do cách giải thích chưa rõ ràng khiến bệnh nhân chưa hiểu tường tận tình trạng của mình mới dẫn đến sự hiểu lầm và lo lắng như vậy…
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Minh họa |
Không chỉ trường hợp của vợ chồng anh Lợi, rất nhiều người đến khám tại các cơ sở y tế đều phàn nàn là chưa được bác sĩ giải thích rõ ràng, hỏi lại nhiều lần thì bác sĩ… cáu. Như chị Nguyễn Diệu Thùy (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) kể, có lần chị đưa con gái mới 2 tháng tuổi đến khám tại một phòng khám nhi khá nổi tiếng ở TP. Buôn Ma Thuột. Phòng khám đông, mỗi bệnh nhân được các bác sĩ khám chưa đầy… 2 phút. Khi chị Thùy kể về tình trạng bệnh của con thì bác sĩ gắt lên: “Chị im đi, chị nói nhiều như thế làm sao tôi nghe (phổi) được?”. Sau khi bác sĩ nghe phổi, ngực xong thì kết luận luôn: “Viêm phế quản, chị ra ngoài lấy thuốc cho cháu” và gọi bệnh nhân tiếp theo, không kịp để cho chị hỏi thêm về bệnh của con mình.
Với những trường hợp như vợ chồng anh Lợi hay chị Thùy, các bác sĩ thường giải thích là do số lượng bệnh nhân đông, nếu như dành quá nhiều thời gian cho mỗi trường hợp thì không thể khám hết lượng bệnh nhân đó. Vấn đề này rõ ràng đặt ra cho ngành y tế cần phải có biện pháp để giải quyết bởi việc khám bệnh không thể thực hiện như một cỗ máy “khám - cho thuốc”, nó đòi hỏi cần có sự giao tiếp “đủ lâu” giữa bác sĩ - bệnh nhân để có thể tìm ra nguyên nhân cũng như cách điều trị tốt nhất. Từng đưa người nhà đến khám tại một bệnh viện tư nhân có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, chị Trần Thị Na (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, các bác sĩ ở đây có thể dành thời gian đến 30-45 phút cho mỗi bệnh nhân bởi họ luôn hỏi tường tận người bệnh về triệu chứng, bệnh sử, dị ứng với loại thuốc nào và kiên nhẫn lắng nghe, giải đáp thắc mắc của bệnh nhân. Được dặn dò cẩn thận, khi ra về dường như bệnh nhân cũng vơi bớt phần nào nỗi lo bệnh tật.
Có thể nói, chính thái độ của bác sĩ đối với người bệnh: ân cần, lắng nghe, chia sẻ và sẵn sàng giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người bệnh… cũng là một phương pháp chữa bệnh. Vấn đề đặt ra là, đến bao giờ thì bệnh nhân nào đến khám bệnh cũng được chữa trị bằng phương pháp ấy?
Hải Như
Ý kiến bạn đọc