Multimedia Đọc Báo in

Phiên dịch viên "nghiệp dư" nơi biên cương

12:16, 17/02/2017

Nhằm phục vụ nhiệm vụ công tác cũng như thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với đồng nghiệp nước bạn Campuchia, những người lính mang quân hàm xanh ở các đồn biên phòng nơi biên cương đã tự mày mò học tiếng Campuchia để thuận tiện trong việc trao đổi thông tin qua các đợt phối hợp tuần tra song phương, giao lưu, gặp gỡ…

Đến Đồn Biên phòng 749 (Đồn Yok Đôn, đóng quân trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, nhân viên trinh sát - người được mệnh danh là “phiên dịch viên” của Đồn. Đây là năm thứ 6 Nguyễn Tuấn Anh công tác tại Đồn Biên phòng Yok Đôn và năm thứ 18 “bén duyên” với vùng đất biên giới của Tổ quốc.

Đại úy Nguyễn Tuấn Anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi nghiên cứu tài liệu  tự học tiếng Campuchia.
Đại úy Nguyễn Tuấn Anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi nghiên cứu tài liệu tự học tiếng Campuchia.

Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, anh nhập ngũ lúc vừa tròn 20 tuổi. Trong thời gian tại ngũ, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và sau đó được cử đi học tại Trường Trung cấp Biên phòng 2 (trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đóng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau khi tốt nghiệp ra trường anh về làm nhân viên cửa khẩu Đăk Per (nay thuộc huyện Đắk Mil, Đắk Nông). Năm 2004, sau khi tách tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, Tuấn Anh được điều động về công tác tại các đồn biên phòng tỉnh Đắk Lắk tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Hơn 6 năm nay anh là nhân viên trinh sát tại Đồn Biên phòng Yok Đôn và kiêm luôn nhiệm vụ phiên dịch tiếng Campuchia trong các chuyến hành quân tuần tra song phương và giao lưu, gặp gỡ với đồng nghiệp nước bạn.

 
“Nhằm góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên giới, thời gian qua, lực lượng bảo vệ biên giới 2 tỉnh Đắk Lắk và Mondulkiri  thường xuyên phối hợp tuần tra song phương. Bởi vậy, việc học tiếng Campuchia và tiếng Việt của cán bộ, chiến sĩ 2 đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là rất cần thiết”
 
 Trung tá Nguyễn Xuân ChiếnĐồn trưởng Đồn Biên phòng Bo Heng

Lợi thế của lính trinh sát là được thường xuyên cùng phối hợp tuần tra song phương bảo vệ biên giới, hay tại các cuộc họp, gặp gỡ trao đổi thông tin tình hình an ninh trật tự vùng biên nhưng do ngôn ngữ bất đồng nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, anh tự mày mò học thông qua các cuộc tiếp xúc với Cảnh sát bảo vệ biên giới Campuchia cũng như khi rảnh rỗi. Sau đó, anh được tham gia một khóa học về tiếng Campuchia để kiêm nhiệm công tác phiên dịch. Với bản tính siêng năng cộng với trí nhớ tốt nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã có thể nghe, hiểu và nói được tiếng Campuchia. Đại úy Nguyễn Tuấn Anh tâm sự: “Mặc dù đã trải qua một khóa học về tiếng Campuchia nhưng tôi vẫn chưa viết được mà chỉ có thể nghe, hiểu những gì người Campuchia nói để diễn đạt lại cho mọi người hiểu. Hiện nay, ngoài công tác chuyên môn tôi phải tìm hiểu trên sách vở, tài liệu nghiên cứu để học hỏi thêm, trau dồi vốn từ của mình”.

Đại úy Phạm Quang Hiển, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Yok Đôn cho biết: “Đại úy Nguyễn Tuấn Anh là người hiền lành, tính tình vui vẻ, hòa đồng với anh em và đồng đội. Trong công việc, Tuấn Anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng và đồng đội yêu quý. Nhờ khả năng nghe, hiểu và nói lưu loát tiếng Campuchia, Tuấn Anh đã có nhiều đóng góp trong công tác đối ngoại biên phòng và quản lý, bảo vệ biên giới”.

Lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Mondulkiri và Đắk Lắk gặp gỡ, trao đổi thông tin về tình hình an ninh biên giới.
Lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Mondulkiri và Đắk Lắk gặp gỡ, trao đổi thông tin về tình hình an ninh biên giới.

Tại Đồn Biên phòng 747 (Đồn Bo Heng), Thiếu tá Tạ Văn Hưởng cũng được cán bộ, chiến sĩ nơi đây ví là “cầu nối” góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 tỉnh Đắk Lắk - Mondulkiri bởi nhiều năm qua anh luôn kiêm nhiệm vụ phiên dịch, giúp đồng nghiệp 2 nước hiểu nhau hơn. Theo Thiếu tá Hưởng, muốn làm tốt công việc của 1 phiên dịch viên phải không ngừng tự học, tự rèn, nhất là rèn khả năng ghi nhớ nhanh. Vì vậy, anh vẫn thường nghiên cứu thêm sách báo, tài liệu bằng tiếng Campuchia, rồi tự dịch sang tiếng Việt.

 

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc