Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Ea Tar

09:24, 10/02/2017

Hội Nông dân xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) có 1.151 hội viên sinh hoạt ở 11 chi hội thôn, buôn. Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng” được Hội Nông dân xã triển khai sâu rộng và thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và các ngành dịch vụ… góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hằng năm, số hội viên, nông dân trên địa bàn xã tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng, từ chỉ có 600 hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2012 thì đến nay đã lên đến hơn 1.000 hộ. Tham gia phong trào, các hội viên nông dân đã được hỗ trợ về nhiều mặt như: tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi; được tiếp cận với các nguồn vốn vay và mua các vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm không tính lãi…

Anh Đỗ Văn Tiến (buôn K'doh, xã Ea Tar) chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Anh Đỗ Văn Tiến (buôn K'doh, xã Ea Tar) chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Mến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Hội Nông dân xã đã phối hợp với khuyến nông, các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho khoảng 80% các hội viên, nông dân; phối hợp với các công ty phân bón hỗ trợ hội viên mua 400 tấn phân bón các loại/năm theo hình thức trả chậm 50% không tính lãi; tín chấp với Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tính đến nay tổng dư nợ Hội đang quản lý là 2,4 tỷ đồng, cho 163 hộ vay. Ngoài ra, Hội còn xây dựng Quỹ Tương trợ hội viên ở các chi hội được 166 triệu đồng, góp phần giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay Hội Nông dân xã đã góp phần xóa được 230 hộ nghèo, số hộ gia đình đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước…”

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân vượt khó vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi. Đơn cử như anh Đỗ Văn Tiến (buôn K’doh). Khi mới đến lập nghiệp tại xã Ea Tar vào năm 2000, anh Tiến chỉ có 2 sào đất trũng, ngập nước. Vợ chồng anh đã đầu tư đào ao thả cá, số bùn đất dư khi đào ao được anh tận dụng đổ lên những chỗ trũng khác để trồng rau, màu và kết hợp làm chuồng chăn nuôi heo. Khi tích lũy được chút vốn liếng, anh chuyển hướng sang trồng cây cà phê và liên tục mở rộng diện tích đất canh tác. Đến nay, tổng diện tích của gia đình đã lên đến 2 ha trồng cà phê xen với tiêu. Hiện nay, với 1.100 cây cà phê và 500/1.200 trụ tiêu và 40/120 cây sầu riêng đang trong giai đoạn kinh doanh, bình quân mỗi năm gia đình anh Tiến thu được từ 4 – 5 tấn cà phê, 2,3 tấn tiêu và hơn 1 tấn sầu riêng, mang lại nguồn lãi 400 triệu đồng cho gia đình. Nhiều năm liền gia đình anh được công nhận Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi…

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ còn hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, khoa học kỹ thuật và tạo công ăn việc làm giúp những hộ nghèo, khó khăn khác có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Đời sống được nâng lên, nhiều hội viên nông dân đã tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Hội Nông dân xã và địa phương phát động. Trong đó, từ năm 2012 đến nay, các hội viên nông dân xã Ea Tar đã đóng góp được hơn 2,1 tỷ đồng, hiến hàng trăm mét vuông đất và 1.818 ngày công lao động nâng cấp và mở rộng đường giao thông nông thôn… 

Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay trên địa bàn xã Ea Tar có 1.623 lượt hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Riêng năm 2016 có 530 hộ đạt danh hiệu này (tăng 70 hộ so với năm ngoái), đặc biệt trong đó có 35 hộ được công nhận đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.


Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.