Multimedia Đọc Báo in

Trạm Y tế xã Đắk Liêng (huyện Lắk): Giúp người dân nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

10:05, 13/02/2017

Từ nhiều năm nay, Trạm Y tế xã Đắk Liêng (huyện Lắk) luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Đặc biệt, từ khi có sự hỗ trợ từ dự án “Nhân rộng mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) tại các cơ sở y tế nhà nước” (còn gọi là Dự án “Tình chị em”), hiệu quả công tác này càng rõ rệt hơn.

Xã Đắk Liêng có hơn 10.000 nhân khẩu, trên 2.200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trước đây, nhiều chị em chưa quan tâm tới việc CSSKSS. Tỷ lệ phụ nữ khám phụ khoa tại các cơ sở y tế đạt thấp. Tình trạng sinh con tại nhà diễn ra khá phổ biến. Trước tình trạng đó, Trạm Y tế xã Đắk Liêng chú trọng hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe cộng đồng. Hằng năm, Trạm lập danh sách phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và phụ nữ đã sinh con để có hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp. Các nội dung tuyên truyền rất phong phú, như: cách chăm sóc sức khỏe sinh sản trước và sau khi mang thai; chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời kỳ thai nghén; lịch tiêm chủng các loại vắc-xin trong thời gian mang thai; cách phát hiện dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai và chọn nơi sinh an toàn. Trạm Y tế xã còn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, phân công đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn đến từng hộ để tuyên truyền, vận động chị em.

Cán bộ Trạm Y tế xã Đắk Liêng tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai.
Cán bộ Trạm Y tế xã Đắk Liêng tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai.

 

Năm 2016, tỷ lệ phụ nữ mang thai đến khám thai tại Trạm trên 3 lần đạt 90%; số thai phụ được tiêm phòng uốn ván đạt 100%; số phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế đạt 96%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt 90%.

Nhờ những nỗ lực đó, nhận thức của người dân về CSSKSS đã được nâng lên đáng kể. Người dân dần hình thành thói quen đến khám, chăm sóc sức khỏe tại Trạm Y tế xã. Phụ nữ có thai thường xuyên đến khám thai định kỳ và đến cơ sở y tế để sinh đẻ. Nhiều chị em đã được trang bị kiến thức về sinh nở, chăm sóc trẻ. Chị H’Khoanh Ênuôl, người dân thôn Hòa Bình chia sẻ: “Trước đây tôi rất ngại đề cập đến vấn đề về sức khỏe sinh sản nên gặp khó khăn trong quá trình mang thai và sinh nở. Mang thai đứa con này, nhờ được cán bộ y tế thôn hướng dẫn, tư vấn  kỹ lưỡng nên tôi có khá nhiều kiến thức trong việc chăm sóc thai, khám thai, chế độ ăn uống, phát hiện dấu hiệu bất thường khi mang thai”.

Với việc vận động kế hoạch hóa gia đình, khám phụ khoa, từ năm 2014, với sự hỗ trợ của Dự án “Tình chị em” về các dụng cụ y tế,như: bộ đỡ đẻ, lò hấp dụng cụ, bộ khám phụ khoa, bộ đặt dụng cụ tử cung, đèn chiếu đỡ đẻ…; đào tạo tập huấn nâng cao năng lực về các kỹ thuật cận lâm sàng về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cán bộ trạm và cung cấp miễn phí các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chất lượng CSSKSS tại Đắk Liêng đã cải thiện đáng kể, phụ nữ của xã cũng đến trạm CSSKSS ngày càng nhiều. Năm 2016, trung bình 1 tháng trạm tiếp nhận từ 200 - 250 lượt chị em đến khám sức khỏe sinh sản, tăng 40% so với năm 2013, thời điểm chưa triển khai Dự án, trong đó điều trị bệnh phụ khoa khoảng 150 lượt. Số phụ nữ sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình chiếm trên 70%.

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Nga, Phó Trạm Y tế xã Đắk Liêng cho biết: Trong những năm tiếp theo Trạm sẽ tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trạm nhằm làm tốt hơn nữa công tác CSSKSS. 

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.