Multimedia Đọc Báo in

Bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động: Đôi bên cùng có lợi!

08:45, 21/03/2017

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2016 quy định người lao động có quyền tự quản lý sổ BHXH thay vì chủ sử dụng lao động giữ như hiện nay. Hiện ngành BHXH tỉnh đang tích cực triển khai công tác này.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2006, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH của người lao động trong thời gian làm việc tại đơn vị và trả sổ khi không còn làm việc. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy định này còn một số bất cập: người lao động không nắm được thông tin về quá trình đóng BHXH; đơn vị sử dụng lao động vẫn trừ tiền đóng BHXH của người lao động hằng tháng nhưng không nộp cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng để sử dụng với mục đích khác; sổ bị thất lạc…

Để khắc phục những bất cập đó, Luật BHXH sửa đổi năm 2014 đã quy định, người lao động có quyền được cấp, quản lý sổ BHXH và có trách nhiệm bảo quản sổ. Ông Lê Quang Tiệm, Trưởng Phòng cấp sổ - thẻ, Tổ trưởng Tổ thẩm định trả sổ, BHXH tỉnh cho biết, quy định này nhằm minh bạch thông tin về quá trình đóng BHXH, hạn chế tình trạng các đơn vị trốn đóng, nợ đọng BHXH, hoặc “giam” sổ BHXH của người lao động khi xảy ra tranh chấp lao động, gây khó khăn trong quá trình giải quyết các chế độ BHXH. Hơn nữa, thông qua công tác rà soát, bàn giao sổ, toàn bộ cơ sở dữ liệu về quá trình tham gia BHXH của người lao động sẽ được cơ quan BHXH nhập vào Hệ thống dữ liệu điện tử và liên tục cập nhật, đảm bảo việc cấp lại sổ BHXH cho người lao động thuận tiện nhất trong trường hợp sổ bị hỏng hoặc thất lạc.

Nhân viên Phòng Quản lý thu nhập  dữ liệu hồ sơ trước khi cấp sổ BHXH cho người lao động quản lý.
Nhân viên Phòng Quản lý thu nhập dữ liệu hồ sơ trước khi cấp sổ BHXH cho người lao động quản lý.

Thực hiện hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện rà soát, nhập dữ liệu và bàn giao sổ BHXH; đồng thời ban hành công văn hướng dẫn BHXH các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bàn giao sổ BHXH, tham mưu cho lãnh đạo địa phương chỉ đạo các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn phối hợp thực hiện công tác này. BHXH tỉnh cũng đã thành lập Tổ chỉ đạo công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH do Phó Giám đốc BHXH tỉnh làm Tổ trưởng để chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các phòng nghiệp vụ và BHXH các địa phương thực hiện, kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai; thành lập Tổ thẩm định và Tổ nhập liệu, bảo đảm công tác thẩm định, nhập dữ liệu, rà soát và bàn giao sổ BHXH cho người lao động đầy đủ, chính xác, đúng quy trình.

Hiện BHXH tỉnh và các địa phương đang gấp rút in phiếu đối chiếu quá trình đóng BHXH (mẫu số 03) và danh sách giao nhận sổ BHXH (mẫu số 01) gửi cho các đơn vị, doanh nghiệp. Theo đó, đơn vị sẽ chuyển cho người lao động xác nhận trên phiếu đối chiếu quá trình đóng BHXH, đề xuất điều chỉnh những thiếu sót, ký xác nhận và chuyển lại cho cơ quan BHXH. Tổ thẩm định sẽ kiểm tra sổ và tờ khai để điều chỉnh cho khớp rồi chuyển cho Tổ nhập liệu điều chỉnh trên phần mềm quản lý. Chị Nguyễn Hoàng Khánh Uyên, chuyên viên Phòng Hành chính tổng hợp, Công ty Bảo Việt Nhân thọ Đắk Lắk cho biết, đơn vị hiện có 34 lao động đã tham gia BHXH thuộc diện rà soát, bàn giao sổ. Sau khi có thông báo và nhận được phiếu theo mẫu 03, 01 của BHXH tỉnh, đơn vị đã chuyển đến từng lao động đối chiếu, ký xác nhận và bàn giao lại cho BHXH tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có trên 100.000 lao động cần bàn giao sổ BHXH. Theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2017 bàn giao sổ cho 80% lao động và đến 30-6-2018 sẽ hoàn thành công tác này, về đích trước kế hoạch 6 tháng. Để đạt được mục tiêu này bên cạnh nỗ lực của BHXH tỉnh, lãnh đạo các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp với ngành chức năng trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động tự quản lý thể hiện minh bạch thông tin về quá trình đóng BHXH, từ đó đảm bảo lợi ích tối đa của người lao động, đồng thời, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình nỗ lực thực hiện hiện đại hóa, cải cách hành chính của ngành BHXH, tiến tới mục tiêu sử dụng sổ BHXH điện tử.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.