Multimedia Đọc Báo in

Kênh bán thực phẩm sạch online "đặc biệt"

08:18, 28/03/2017
Hiện đang có xu hướng một số người tự sản xuất thực phẩm sạch, nếu dùng không hết, bán cho bạn bè, người quen. Những mặt hàng này không được bày bán ở các chợ, mà chỉ xuất hiện trên các trang mạng cá nhân với định danh thực phẩm “của nhà”.

Hiện nay, các mạng xã hội rất phổ biến; hầu như ai cũng tạo cho mình một tài khoản Facebook, Zalo... để trò chuyện với bạn bè, tìm hiểu thông tin, và nó còn có một công dụng nữa là để làm nơi bán hàng. Kênh bán hàng khá đặc biệt vì khách hàng có nhu cầu không chỉ được tiếp cận mặt hàng rất nhanh chóng, được giao hàng tận nơi, mà khách hàng hầu hết là người thân quen. Nhiều chị em làm văn phòng vận động gia đình tự sản xuất ra thực phẩm để dùng, dùng không hết đem bán, vừa đỡ lãng phí, kiếm thêm thu nhập, vừa vui vì đưa được sản phẩm tốt đến với người tiêu dùng lại chính là bạn bè, người thân của mình.

Đơn cử như trường hợp chị Đinh Thị Hồng Thơm (buôn Ea Nao A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), hiện đang công tác tại Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh. Do đặc thù công việc làm vào buổi tối, vì vậy ban ngày chị thường làm thực phẩm để phục vụ gia đình. Sau khi chị đăng lên Facebook, bạn bè thấy hỏi han và nhờ chị làm hộ, nhờ hoài cũng ngại, khách bắt đầu đặt hàng. Chị Thơm cho biết: “Các sản phẩm mình bán chủ yếu là thực phẩm ăn liền như chà bông, bột ngũ cốc, tinh bột nghệ, và một số loại củ trồng được nên rất nhiều chị em quen đặt hàng”. Vì toàn là người quen mua hàng, lại đặt uy tín và chữ tâm lên hàng đầu, nên chị Thơm làm sản phẩm rất kỹ lưỡng. Đối với thực phẩm, chị chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, luôn chọn những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh trong quá trình sản xuất. Với chị, việc bán thực phẩm sạch là một niềm vui trong cuộc sống, nhất là khi những sản phẩm chị làm ra được phản hồi tốt.

Chị Hồng Thơm tranh thủ giờ nghỉ để đi giao hàng cho khách.
Chị Hồng Thơm tranh thủ giờ nghỉ để đi giao hàng cho khách.

Do hầu hết khách hàng đều là bạn bè, người thân của nhau, tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm, nên “phiên chợ ảo” này cũng khá nhộn nhịp, đa dạng sản phẩm. Là nhân viên của một công ty truyền thông, dù bận rộn nhưng chị Đặng Hồng Bảo Ngọc (xã Hòa Phú, Tp. Buôn Ma Thuột) vẫn tranh thủ bán hàng qua Facbook và Zalo. Nhà ở vùng ven nên nhiều đất, chị Ngọc cùng gia đình tận dụng trồng thêm rau củ. Sản phẩm không chỉ đủ dùng trong gia đình mà còn dư mang cho đồng nghiệp với giá ưu đãi. Chị Ngọc tâm sự: “Tôi chú trọng đến chất lượng nên từ lúc gieo trồng đến thu hái đều rất cẩn thận, đặc biệt không dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích để tăng sản lượng rau”. Ngoài ra, chị còn giới thiệu đặc sản Tây Ninh quê mình như bánh tráng phơi sương, đường thốt nốt, bột bánh canh Trảng Bàng... lên mạng xã hội cho bạn bè cùng biết, không ngờ lại được nhiều người yêu thích và đặt hàng. Các mặt hàng này tuy không phải do chính tay mình làm ra, nhưng để đảm bảo tiêu chí sạch và an toàn, chị đã chọn những nguồn hàng uy tín để lấy hàng. Chị Lê Thị Phương (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), một trong những người chuyên bán thực phẩm sạch online chia sẻ, thực phẩm sạch giờ rất hút khách, khi đã tin tưởng vào chất lượng thì rất đông khách đặt hàng, người này chỉ cho người kia, cửa hàng nho nhỏ trên Facebook của chị ngày càng đông khách. Tiền lời mỗi sản phẩm không nhiều, nhưng do được tích lũy từ các nguồn hàng cũng được một khoản kha khá.

Bán thực phẩm sạch trên mạng có thể chỉ là nghề tay trái, nhưng đó là công việc mang đến niềm vui tinh thần, thì mỗi người bán hàng càng cần phải đặt uy tín của mình lên hàng đầu. Đó là cách hể hiện sự tôn trọng với người mua, cũng như với bản thân, đồng thời cùng thể hiện đó là một kênh mua bán rất “đặc biệt” với nhiều hộ gia đình.  

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.