Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở huyện Lắk: Còn nhiều khó khăn

20:04, 20/03/2017

Những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn huyện Lắk luôn được các cấp, ngành địa phương quan tâm. Song, làm thế nào để giảm thiểu tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn đang là vấn đề trăn trở đối với chính quyền và ngành chức năng nơi đây.

“Mầm xanh” đang thiếu chất

Chị H’Jung Cil, 23 tuổi, ở buôn Jiê Duk, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) lấy chồng được 4 năm và sinh được 2 người con. Cuộc sống bần hàn của đôi vợ chồng trẻ không có nương rẫy, công ăn việc làm không ổn định, phải chạy ăn từng bữa, khiến cho 2 đứa con của H’Jung bị suy dinh dưỡng nặng. Hiện đứa con trai đầu đã 21 tháng tuổi nhưng cân nặng chỉ có 7 kg, đứa thứ 2 cũng không khá hơn, 5 tháng tuổi nặng 4,5 kg. Chị H’Jung bộc bạch: “Nhà mình nghèo lắm, mọi sinh hoạt đều dựa vào tiền làm thuê, làm mướn ngày có ngày không của chồng. Từ ngày mình mang thai đứa con đầu đến nay, chẳng mấy khi được no bụng. Bữa ăn hằng ngày của gia đình chỉ là cơm trắng và một ít rau dại quanh nhà. Đôi ba tuần mới mua được cho thằng lớn chút thịt, cá hoặc quả trứng để bồi bổ. Đứa thứ 2 thì mới đang bú mẹ, chưa ăn gì khác, nhưng vì mình không ăn đủ chất nên con cũng không lớn được”.

Rời khỏi nhà H’Jung, đến thăm gia đình chị H’Giăng Cil, sinh năm 1974, cũng ở buôn Jiê Duk, chứng kiến căn nhà tuềnh toàng, rộng khoảng 40 m2, không một vật dụng có giá trị nhưng là chỗ cư  ngụ của vợ chồng và 10 đứa con, ai cũng thấy cám cảnh. Mới sinh đứa con thứ 10 vào tháng 1-2017, con sinh ra trong tình trạng thiếu tháng, nhẹ cân, nên chị đã gửi con cho bệnh viện nuôi, còn bản thân thì xin về nhà để cùng mấy đứa con lớn đi làm kiếm tiền nuôi người chồng bị ốm nằm liệt một chỗ và bầy con nhỏ. Nương rẫy ít, tiền kiếm được không nhiều, trong khi nhân khẩu trong nhà lại đông nên chỉ riêng tiền mua gạo nấu cơm mỗi ngày cũng không đủ. Mỗi ngày, chị H’Giăng nấu 2 bữa ăn cho gia đình, vào buổi sáng và chiều. Nói là bữa ăn, nhưng thực tế chỉ là 2 nồi cơm trắng để trên bếp, khi bọn trẻ đói bụng thì tự lấy ra chia nhau để ăn. Thức ăn trong bữa ăn của sắp nhỏ là muối và rau dại luộc. Nhìn những đứa con gầy yếu đứng vây quanh mẹ, chị H’Giăng thở dài: “Thấy con không được ăn ngon, bị suy dinh dưỡng mình cũng thương lắm chứ, nhưng điều kiện gia đình khó khăn thì đành chịu thôi”.

Cán bộ của Trạm Y tế xã Đắk Phơi hướng dẫn chị H’Giăng Cil (buôn Jiê Duk) cách thực hiện  bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Cán bộ của Trạm Y tế xã Đắk Phơi hướng dẫn chị H’Giăng Cil (buôn Jiê Duk) cách thực hiện bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Cuộc sống khó khăn, không có điều kiện chăm sóc, ăn uống không đầy đủ, thiếu sự quan tâm của bố mẹ, gia đình lại đông con nên hầu hết trẻ em ở buôn Jiê Duk đều bị suy dinh dưỡng. Mặc dù cán bộ y tế và cộng tác viên vẫn thường xuyên đến từng gia đình tuyên truyền về cách chăm sóc sức khỏe, cải thiện bữa ăn cho trẻ nhỏ để phòng chống suy dinh dưỡng, nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện.

Tình trạng trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng không chỉ có ở buôn Jiê Duk mà diễn ra ở tất cả 10 thôn, buôn của xã Đắk Phơi. Hiện Đắk Phơi là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao nhất trên địa bàn huyện Lắk với tỉ lệ trẻ suy duy dưỡng ở thể nhẹ cân là 28,12% và thể thấp còi là 37,53%.

Cần giải pháp toàn diện

Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn, thời gian qua Trung tâm Y tế huyện Lắk đã phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Đài Phát thanh - Truyền hình huyện đẩy mạnh công tác truyền thông đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe sinh sản, nhất là các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ về cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Đồng thời Trung tâm cũng tiến hành nhiều hoạt động chuyên môn như: tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tuyến dưới và đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở; tư vấn dinh dưỡng trực tiếp, cấp phát sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, vận động các nhà tài trợ cung cấp sữa cho trẻ ở vùng khó khăn… Bác sĩ Phạm Phú Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk cho biết: “Trong phòng, chống suy dinh dưỡng đối với trẻ em dưới 5 tuổi, chúng tôi luôn chú trọng việc truyền thông cung cấp kiến thức và thực hành dinh dưỡng, tư vấn, hướng dẫn phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý. Theo kế hoạch, một tháng một lần các trạm y tế tổ chức cân trẻ và chấm biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ. Đồng thời, cán bộ y tế luôn chú ý phát hiện những trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng để tư vấn với gia đình về cách chăm sóc, cách nuôi dưỡng, cũng như quan tâm điều trị những bệnh có thể gây suy dinh dưỡng đối với trẻ như tiêu chảy, sởi...”.

Hằng ngày, bữa ăn của mẹ con chị H’Jung Cil (buôn Jiê Duk, xã Đắk Phơi) thường chỉ có duy nhất một món… cơm.
Hằng ngày, bữa ăn của mẹ con chị H’Jung Cil (buôn Jiê Duk, xã Đắk Phơi) thường chỉ có duy nhất một món… cơm.

Rõ ràng, những biện pháp để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đang được Trung tâm Y tế huyện triển khai đã mang lại hiệu quả không nhỏ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, nhất là các bà mẹ về việc chăm sóc con cái để trẻ được phát triển phù hợp với độ tuổi, từ đó cũng đã phần nào làm giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện. Song, với một địa phương có trên 50% số hộ là hộ nghèo như huyện Lắk thì việc bảo đảm cho trẻ em được hưởng các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế đã trở thành vấn đề khó có thể giải quyết trong khoảng thời gian ngắn mà cần có những giải pháp toàn diện, lâu dài với sự chung sức của toàn xã hội. Bởi, như lời chị H’Nghiêng Ông, cộng tác viên dinh dưỡng buôn Jiê Duk, xã Đắk Phơi cho biết: “Mỗi khi đi tuyên truyền cho bà con về chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, bảo đảm dinh dưỡng, các bà mẹ trong buôn đều lắng nghe rất kỹ lưỡng. Thế nhưng, nghe rồi lại để đấy, bởi họ nói nhà không có tiền để mua thức ăn cho con. Thậm chí, nhiều gia đình, vợ chồng mải đi làm kiếm tiền, cả ngày để con ở nhà với ông bà nên cũng chẳng biết con mình ngày hôm đó ăn những gì”.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Lắk, hiện mức bình quân trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng của huyện là trên 22,45%. Đặc biệt, 5 xã  có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao hơn mức bình quân chung của toàn huyện (từ 23% trở lên) là Đắk Phơi, Krông Nô, Ea R’bin, Nam Ka, Bông Krang.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.