Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai trẻ "mê"... trồng rau hữu cơ

14:16, 26/04/2017
Năm 2013, khi còn là sinh viên năm 2 thuộc Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên, Đinh Huy Hoàng biết được thông tin về chương trình vừa học vừa làm tại Israel do Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức nên xin trường cho bảo lưu kết quả để đăng ký tham gia. Đợt này, Hoàng cùng 400 sinh viên ngành nông lâm trong cả nước được chọn đi tu nghiệp sinh tại đất nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. “Thật sự ngỡ ngàng khi giữa vùng đất cát sa mạc nắng rát mà những cánh đồng rau, củ, quả được trồng ở khắp nơi, những quả ớt to bằng cái chén, đều răm rắp”, chàng kỹ sư trẻ nhớ về cảm giác khi lần đầu tiên đặt chân đến một nông trang miền Nam Israel. Hoàng được bố trí vào một trang trại chuyên trồng dưa lưới, ớt; thứ bảy đi học, những ngày còn lại thì làm… nông dân. Điều khiến cậu ngạc nhiên là một số gia trang phải chở đất từ nơi khác về để trồng cây và tất cả rau màu ngắn ngày đều canh tác trong nhà kính, nhà lồng, có hệ thống phun sương điều hòa nhiệt độ nhằm sản xuất quanh năm. Người dân ở đây cũng không tưới nước, bón phân tràn lan mà sử dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt để chất dinh dưỡng, phân bón vừa đủ với nhu cầu cây trồng.
 
Đinh Huy Hoàng (đeo kính) cùng anh em công nhân trên vườn rau.
Đinh Huy Hoàng (đeo kính) cùng anh em công nhân trên vườn rau.

Cũng theo Hoàng, một điều hay nữa trong cách làm nông nghiệp của người Israel là người ta thả một số côn trùng có lợi (thiên địch) trên các vườn rau để diệt sâu bọ, trồng nhiều loại cây trên một khu vực để kích thích cây sinh trưởng nhanh và sử dụng ong thụ phấn nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ sử dụng nhiều phương pháp nên năng suất cây trồng rất cao, tỷ lệ đồng đều đạt gần 100%; tuy nhiên, nông dân chỉ trị sâu, bệnh cho cây bằng phương pháp sinh học và sử dụng thiên địch. Hoàng kể: Cây trồng ở đất nước này thường xuyên bị loại ruồi vàng Địa Trung Hải phá hoại. Đây là loại ruồi đục quả nguy hiểm; để tiêu diệt, người ta thả ruồi đực đã được chiếu xạ làm mất khả năng sinh sản ra môi trường để giao phối với cá thể cái khiến ruồi cái đẻ nhưng trứng không thể nở. “Sử dụng công nghệ sinh học và các biện pháp diệt trừ sâu bệnh thân thiện với môi trường từ chuyện con ruồi là bài học quý nhất đối với em về cách làm nông nghiệp tiên tiến của nông dân Israel”, Đinh Huy Hoàng chia sẻ.

 

 “Trong tương lai, khi vườn rau hữu cơ được hoàn chỉnh, em sẽ phát triển du lịch nông nghiệp, đặc biệt là hướng tới trẻ em, giúp các em trực tiếp trải nghiệm toàn bộ quy trình sản xuất hữu cơ, qua đó, có ý thức yêu lao động và bảo vệ môi trường”

Đinh Huy Hoàng

Năm 2014, Hoàng trở về nước với nhiều kiến thức và trải nghiệm quý báu trong ngành nông nghiệp. Cậu tiếp tục hoàn thành chương trình học ở trường (tốt nghiệp loại khá, năm 2016) vừa bắt tay vào làm nông nghiệp để thực hiện ước mơ làm nông nghiệp hữu cơ. Cuối năm 2015, chàng trai trẻ thuê đám đất rộng 1.000 m2 tại buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột và vay mượn tiền đầu tư trồng rau. Để trồng rau sạch, Hoàng đã mất gần một năm trời cải tạo, diệt mầm bệnh, nuôi giun và trồng cây họ đậu để đất tơi xốp. Cùng với đó, Hoàng thiết kế lại không gian vườn thành nhiều khu vực, làm nhà ươm giống, xưởng sơ chế, lắp hệ thống tưới tự động rồi lên luống. Sau nhiều công sức, một trang trại hữu cơ bài bản đã hình thành với gần 20 loại rau, củ, quả. Đặc biệt, giữa các luống rau, Hoàng trồng xen các loại cây gia vị có mùi đặc trưng như sả, thì là, ngò, quế để xua đuổi các loại sâu và vi sinh vật gây hại. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, rau ở đây không phun thuốc trừ sâu mà sử dụng hỗn hợp tỏi, gừng, ớt giã nát pha với rượu trắng phun vào cây. Hiện trang trại mới có 400 m2 trồng rau cho chu hoạch với sản lượng 6 tạ/tháng, mặc dù giá cao hơn nhiều so với thị trường, nhưng sản phẩm ở đây được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và khách hàng đến tận vườn mua hết. Hoàng cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu rau sạch của người dân, sắp tới sẽ mở rộng thêm diện tích trồng và xen canh thêm nhiều loại rau, của quả khác. Trang trại cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương và là nơi để các sinh viên ngành nông nghiệp trải nghiệm thực tế, tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ.

 

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.