Chuyện về những xóm chài trên núi
Trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, núi rừng trùng điệp, có những xóm chài nhỏ quanh năm mưu sinh bằng nghề đánh cá trên các lòng sông, hồ đập…
Làng cá cơm nơi vùng biên
Đến thôn 5, thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp), dễ thấy một hình ảnh là trước khoảng sân rộng của những ngôi nhà có những mẻ cá cơm mẻ cá cơm phơi trên tấm lưới đan được che chắn cẩn thận lấp lánh dưới nắng. Ngỡ dân xứ này chỉ kiếm vài con cá về cải thiện bữa ăn, ai ngờ sản xuất cá cơm là nghề chính mang lại thu nhập cho người dân nơi đây vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Gia đình ông Phùng Văn Thanh (thôn 5, thị trấn Ea Súp) từ Bình Định chuyển đến sống tại Ea Súp gần 10 năm nay. Đất đai ít lại bạc màu, gia đình ông cũng như những hộ khác sống quanh hồ Ea Súp Thượng và Ea Súp Hạ làm nghề đánh bắt cá để kiếm thêm thu nhập. Ngoài cá tươi, người dân ở đây chủ yếu sản xuất cá cơm khô. Quy trình sản xuất cá cơm rất đơn giản: Cá cơm đánh bắt về mang rửa và phơi một đến hai nắng trên những tấm lưới đan ngoài sân rồi đem bán. Mỗi ngày vợ chồng ông Thanh đánh được khoảng 20-30 kg cá cơm tươi, sau khi phơi khô thường được khách hàng đến tận nhà hỏi mua vì cá sạch, chất lượng thơm ngon.
Người dân xóm chài chèo thuyền đi đánh cá trên hồ Ea Súp Hạ. |
Theo anh Đặng Quốc Cương (tổ phó tổ đánh bắt cá cơm tại thị trấn Ea Súp), những người đánh bắt cá chia ra làm 2 tổ, 1 tổ chuyên đánh bắt cá cơm còn 1 tổ chuyên đánh bắt cá lớn. Tổ đánh bắt cá cơm có khoảng 13 hộ, hằng ngày tham gia đánh bắt cá trên hai hồ lớn là hồ Ea Súp Thượng và Ea Súp Hạ. Theo anh Cương, đây là vùng sản xuất cá cơm nước ngọt duy nhất tại Đắk Lắk, tùy theo mùa mà sản lượng và giá cả của cá cơm có sự thay đổi. Vào mùa khô, giá cả dao động từ 100 – 120 nghìn đồng/kg, mùa mưa lượng cá nhiều nên giá chỉ từ 60 – 80 nghìn đồng/kg. Cá cơm được mang đi tiêu thụ trên địa bàn huyện và các huyện khác trong tỉnh như TX. Buôn Hồ, các huyện Krông Năng, Ea H’leo..., thậm chí còn bán vào tận TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Lặng lẽ xóm chài
Tại xã Nam Ka (huyện Lắk) có một xóm chài nhỏ gồm vài chục hộ dân mưu sinh bằng nghề đánh cá trên con suối Đắk Hil. Xóm chài này được thành lập năm 2009 khi một số người dân từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ tìm đến sinh sống, làm nghề đánh cá. Một số hộ dân không có đất ở, họ đóng thuyền, dựng nhà ngay trên mặt nước.
Cứ 4-5 giờ chiều mỗi ngày, người dân xóm chài lại chèo thuyền ra xa thả lưới, đốt đèn đuổi cá đến tận đêm khuya, sáng sớm tinh mơ dậy gỡ cá cho kịp thương lái thu mua. Trung bình mỗi chuyến đánh bắt, bà con thu từ 10 – 15 kg cá, chủ yếu là rô phi, lóc, cá bống,.. mỗi tháng kiếm được 4-5 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Dũng (37 tuổi, quê An Giang) tâm sự: "Nghề này bấp bênh lắm, ngày thường còn làm ăn được chứ mùa mưa gió bão, mùa nắng nước cạn thì không kiếm được đồng nào. Miếng cơm manh áo gia đình chỉ trông chờ vào những mẻ lưới hằng đêm”.
Cuộc sống lênh đênh trên sông nước của người dân xóm chài khiến nhiều em nhỏ nơi đây phải bỏ học nửa chừng, phần vì trường xa, phần vì gia cảnh quá khó khăn. Một số hộ sợ con thất học nên đưa về quê hoặc gửi con cho người quen ngoài phố huyện còn bố mẹ chúng ngày đêm lại dầm nước kiếm tiền mưu sinh...
Dạ Yến Thảo
Ý kiến bạn đọc