Công tác dân số ở Đắk Phơi: Những câu chuyện buồn…
Đẻ nhiều, đẻ dày là câu chuyện đã và đang diễn ra ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk) và là nguyên nhân khiến cho cái nghèo “bủa vây” đời sống của hầu hết các gia đình, đặt ra bài toán hóc búa cho công tác dân số nơi đây…
43 tuổi, chị H’Giăng Cil (ở buôn Jie Duk, xã Đắk Phơi) đã có tới 10 đứa con, đứa đầu 24 tuổi còn đứa út mới chưa đầy 4 tháng tuổi. Ngoài nếp nhà lụp xụp, gia đình chị không có bất kỳ thứ tài sản nào khác. Cuộc sống của gia đình 12 người đều trông chờ vào số tiền ít ỏi chị và mấy đứa lớn đi làm thuê kiếm được. Vì vậy, kinh tế gia đình chị H’Giăng luôn ở trong tình trạng túng quẫn, con cái học hành cũng không đến nơi đến chốn, ăn bữa sáng lo bữa chiều. Thậm chí, dù mới sinh con út trong tình trạng thiếu tháng, nhẹ cân, nhưng chị vẫn “cắn răng” gửi con cho bệnh viện nuôi giúp, còn bản thân trở về đi làm thuê kiếm cái ăn cho lũ con ở nhà. Chị H’Giăng tâm sự: “Nhà nghèo lại đông con nên khổ trăm bề. Nhiều hôm không có tiền, cả nhà chỉ còn vài lon gạo, tôi đành nấu cháo trắng cho bọn trẻ ăn cả ngày cầm chừng. Đã vậy, trong nhà hầu như lúc nào cũng có đứa ốm, đứa đau”. Cuộc sống nghèo túng là vậy, cộng thêm người chồng bị bệnh đi lại khó khăn, một mình chị tần tảo cáng đáng gia đình. Thế nhưng, khi được hỏi còn muốn sinh nữa không, chị thật thà nói: “Mình cũng chưa biết nữa, nếu có bầu tiếp thì phải đẻ thôi...”.
Không chỉ các cặp vợ chồng lớn tuổi đẻ nhiều, đẻ dày, mà ngay cả những cặp vợ chồng trẻ khác trong buôn Jie Duk cũng luôn có tư tưởng sinh nhiều con. Điển hình như trường hợp của gia đình chị H’Jung Cil. Vừa bước sang tuổi 23, chị H’Jung đã là mẹ của 2 đứa con, một trai, một gái. Cuộc sống gia đình “thiếu trước hụt sau”, “ăn đong từng bữa” khi mọi chi tiêu trong nhà phụ thuộc vào công việc làm thuê không ổn định của người chồng. Khó khăn là thế, nhưng chị H’Jung vẫn muốn sinh thêm 2-3 đứa nữa cho bằng chị bằng em!
Cán bộ Trạm Y tế xã Đắk Phơi vận động phụ nữ buôn Jie Duk thực hiện kế hoạch hóa gia đình. |
Theo chia sẻ của chị Lại Thị Oanh, cán bộ chuyên trách dân số xã Đắk Phơi, khắp 11 thôn, buôn của xã có rất ít gia đình dừng lại ở 2 con, đa số là có từ 3 - 5 con, thậm chí nhiều cặp vợ chồng 30 - 40 tuổi nhưng có tới 5 - 7 con. Hậu quả của việc sinh nhiều con, khoảng cách giữa các lần sinh ngắn chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc sống nghèo khó, vất vả, trẻ em không được chăm sóc chu đáo về sức khoẻ cũng như học tập.
Qua tìm hiểu được biết, xã Đắk Phơi hiện có 1.804 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 21%. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn xã có 54 trẻ sinh ra, trong đó, có 11 trẻ là con thứ 3. Theo lý giải của chị Oanh, do đặc thù của xã có 100% thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu; tư tưởng muốn có nhiều con còn nặng trong suy nghĩ của nhiều cặp vợ chồng nên dẫn đến tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày. Bên cạnh đó, do địa bàn của xã rộng nên công tác vận động tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trở ngại lớn nhất hiện nay là phương tiện tránh thai chuyển sang tiếp thị xã hội thay vì được sử dụng miễn phí hoàn toàn như trước. Chính vì vậy, việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình thời gian qua đạt thấp. Năm 2016 tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ đạt 65%.
Được biết, để nâng cao chất lượng dân số, hằng năm, xã Đắk Phơi đều triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; xây dựng mô hình giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; tổ chức sàng lọc trước sinh và sơ sinh; cũng như tổ chức các buổi truyền thông về công tác kế hoạch hóa gia đình... Mặc dù vậy, công tác dân số ở đây vẫn chưa cải thiện được nhiều. Thiết nghĩ, để giải quyết những tồn tại, khó khăn trong công tác dân số của xã Đắk Phơi cần một quá trình và giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan, ban, ngành. Trong đó, công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho người dân về vấn đề sinh đẻ là việc làm mang ý nghĩa quan trọng.
Theo số liệu thống kê, xã Đắk Phơi hiện có 1.114 hộ, trong đó số hộ nghèo chiếm tới 66,6%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do người dân nơi đây chưa thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc