Multimedia Đọc Báo in

Ea M'droh nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn

14:13, 16/04/2017

Ea M’droh là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cư M’gar với 76% dân số là người dân tộc thiểu số. Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn ở Ea M’droh diễn ra rất phổ biến, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dân số và là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói, nghèo.

Trước tình trạng đó, trong thời gian từ cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, xã Ea M’droh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nhằm giảm tình trạng tảo hôn. Xã đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động và các kế hoạch triển khai công tác dân số; các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ được đẩy mạnh, trong đó, chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng trong tuyên truyền; chỉ đạo các thôn, buôn rà soát những đối tượng có nguy cơ tảo hôn để có biện pháp tiếp cận, tuyên truyền, thuyết phục kết hợp cả những biện pháp răn đe, xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm…

Chị Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho biết: “Với những đối tượng có nguy cơ tảo hôn, xã mời gia đình lên làm việc. Bên cạnh tuyên truyền, thuyết phục, chúng tôi còn phổ biến những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, những chế tài xử phạt đối với các trường hợp cho người dân hiểu. Việc thuyết phục cũng gặp rất nhiều khó khăn, có trường hợp không đồng ý, lần sau mời thì họ không đến UBND xã nữa, xã phải thành lập đoàn xuống tận gia đình để tuyên truyền, vận động, nhiều trường hợp phải đi lại vận động 2 - 3 lần mới thành công”.

Cán bộ dân số xã Ea M’droh tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho người dân.
Cán bộ dân số xã Ea M’droh tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho người dân.

Nhờ những giải pháp quyết liệt như vậy, nhiều vụ tảo hôn trên địa bàn xã đã được ngăn chặn kịp thời. Trường hợp của em L.T.H (SN 2000, ở thôn Hợp Hòa) và L.H.L (SN 1998, trú thôn Hợp Thành) là một ví dụ. Chỉ sau hơn 1 năm yêu nhau, H. và L. quyết định kết hôn và được hai bên gia đình đồng ý, đám cưới dự định được tổ chức vào tháng 2-2017. Nắm được thông tin, UBND xã đã mời cả hai gia đình lên làm việc, tại đây cán bộ đã phân tích tác hại của tảo hôn, phổ biến cả những biện pháp răn đe, chế tài xử phạt nếu vẫn cố tình vi phạm… Sau khi hiểu ra sự việc, gia đình H. và L. đã chấp nhận hoãn đám cưới đến khi cả hai đủ tuổi kết hôn.

Tương tự, dù đã định ngày và phát thiệp mời nhưng đám cưới của H.T (SN 2001, ở buôn Cuôr) với thanh niên 21 tuổi ở buôn Ea M’droh cũng phải dừng lại, bởi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Điều đáng nói là hiện H.T đã có thai và chỉ sau vài tháng nữa sẽ làm mẹ khi mới chỉ 16 tuổi… Anh L.V.T, bố của H.T chia sẻ: “Đám cưới của hai đứa chỉ còn vài ngày nữa là tổ chức thì xã mời lên làm việc. Được phân tích đúng sai, cũng như hậu quả của việc tảo hôn… mình quyết định dừng tám cưới lại, đồng thời động viên con đợi đến khi đủ tuổi sẽ tổ chức”.

Ngoài 2 trường hợp trên, từ đầu năm 2017 đến nay, xã Ea M’droh còn vận động và ngăn chặn được thêm 3 trường hợp tảo hôn khác. Trong đó, có nhiều trường hợp đã định ngày, phát thiệp mời và liên hệ đặt tiệc với nhà hàng nhưng vẫn phải dừng lại, đợi đến khi con cái đủ tuổi mới tổ chức kết hôn…

Tuy nhiên, để tiến tới xóa bỏ tình trạng này, Ea M’droh cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và gia đình, tăng cường giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên…  

   Trung Dũng - Thanh Tuyền


Ý kiến bạn đọc