Multimedia Đọc Báo in

"Hãy hành động" để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại

10:51, 01/04/2017

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại (thường được gọi bằng thuật ngữ “ấu dâm”) ngày càng gia tăng. Các em bị xâm hại ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả những bé gái mới 3-4 tuổi. 

Theo thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ 2011-2015, có hơn 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với khoảng 10.000 nạn nhân. Trung bình cứ 8 giờ có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục; cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại và 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại. Song, theo các cơ quan chức năng, những con số này mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Đáng chú ý, theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, 93% thủ phạm của các vụ xâm hại tình dục trẻ em là người quen biết với nạn nhân; trong đó có đến 47% là họ hàng, người trong gia đình. 

Hậu quả đau lòng của các vụ việc khiến dư luận đau xót và căm phẫn; thậm chí cư dân mạng còn chia sẻ hình ảnh và sẵn sàng “lùng sục” thủ phạm, đưa những kẻ đồi bại ấy ra trước ánh sáng pháp luật. Những vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến các bậc cha mẹ lo lắng, hoang mang, vội vàng tìm mọi biện pháp để bảo vệ con mình như giám sát con, trang bị điện thoại hoặc đồng hồ định vị cho con... Tuy nhiên, các bậc phụ huynh, nhà trường và thậm chí cả các tổ chức xã hội dường như “bỏ sót” một vấn đề cơ bản: biện pháp bảo vệ trẻ em tốt nhất chính là dạy các em cách phòng ngừa. Chính vì bỏ sót nên công tác giáo dục giới tính cho trẻ em vẫn còn bị xem nhẹ; các em cũng không được trang bị những kỹ năng nhận biết dấu hiệu nguy hiểm và phòng tránh nguy hiểm…

Theo các chuyên gia, không cần phải chờ đến khi các con lớn mà các bậc cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con càng sớm càng tốt. Trẻ lên 2 tuổi là đã nhận thức được về cơ thể của mình, cha mẹ cần giúp con bằng cách chỉ cho con biết và nhắc lại thường xuyên, đặc biệt cần gọi tên chính xác những bộ phận trên cơ thể; giúp trẻ hiểu và nhận biết được những khu vực nào của cơ thể là “bất khả xâm phạm”. Đặc biệt, chính các cha mẹ, người lớn trong gia đình cần nhận thức rõ hơn về “sự riêng tư”, hình thành ý thức không nên tự ý có những cử chỉ âu yếm như hôn, hít, sờ mó trẻ khi chưa được phép; dạy trẻ phản ứng khi những người khác (kể cả họ hàng, người quen của gia đình) âu yếm, vuốt ve mình. Một điều cũng quan trọng không kém là nhà trường, gia đình cần dạy trẻ kỹ năng tránh rơi vào tình huống nguy hiểm như: không được phép nhận quà hoặc đi theo người khác, kể cả người thân quen với gia đình khi chưa được sự đồng ý của bố mẹ; hét lên, bỏ chạy, kêu cứu khi cảm thấy nguy hiểm… Mặt khác, các bậc cha mẹ cần dành thời gian gần gũi con, quan sát và chú ý đến con nhằm nhận biết kịp thời những dấu hiệu bất thường ở con trẻ để có biện pháp xử lý.

Thiết nghĩ, bên cạnh vai trò của gia đình, để ngăn chặn tình trạng gia tăng các vụ xâm hại tình dục trẻ em, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Theo thống kê tại cuộc họp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bàn về giải pháp ngăn chặn xâm hại trẻ em, hiện có tới 7 đạo luật gồm Hiến pháp 2013, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống mua bán người, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em năm 2016 cùng 12 quyết định, thông tư, chỉ thị để bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực và xâm hại. Tuy nhiên, quy định trong gần 20 luật và quyết định, thông tư này chưa rõ thế nào là xâm hại, là dâm ô trẻ em, nên vẫn có nhiều tội phạm bị bỏ lọt, nhiều vụ xâm hại trẻ bị chậm xử lý. Điều đó cho thấy, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các loại tội phạm về xâm hại trẻ em; nhất là cần khởi tố, xét xử kịp thời các vụ án xâm hại tình dục trẻ em với mức phạt thật nghiêm khắc, đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các trường học, tổ chức đoàn thể cần tăng cường chú trọng hơn đến việc giáo dục giới tính, trang bị kỹ năng sống cho trẻ ngay ở độ tuổi mầm non.

“Hãy hành động” như lời kêu gọi của một chuyên gia: “Các cơ quan, tổ chức hãy thôi đau xót chung chung mà hãy hành động".

Hồng Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.