Multimedia Đọc Báo in

Một thoáng Tây Bắc

13:57, 26/04/2017

Tây Bắc từ lâu đã là vùng đất mà tôi khao khát được đặt chân đến. Sau bao chờ đợi, dịp may rồi cũng đến khi trung tuần tháng 3 vừa qua, trong một chuyến công tác phía Bắc, tôi có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng cảnh vật của vùng đất được ví như cõi bồng lai tiên cảnh này.

Từ Hà Nội theo đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, chúng tôi đi thẳng lên Sa Pa. Quãng đường mà trước đây đi phải gần một ngày mới đến, nay đã rút xuống chỉ còn hơn 3 giờ đi xe. Đặt chân đến Sa Pa đúng lúc trời đổ mưa như trút! Thế nhưng chỉ một lúc sau đã ngớt, mặt trời hiện dần sau những đám mây lững lờ trôi. Không phí chút thời gian nào, chúng tôi lập tức khám phá thị trấn Sa Pa. Quảng trường thị trấn, nhà thờ đá, khu chợ đêm... tất cả đều trở nên quyến rũ trong làn mây mờ.

Càng về đêm, cái lạnh như càng ngấm khiến người ta bắt đầu xuýt xoa. Mà thời tiết ở đây cũng lạ, đỏng đảnh như một cô gái. Mới quang tạnh đó đã lại đổ mưa nặng hạt, khiến du khách chỉ kịp nép mình dưới những mái hiên ven đường. Lạnh vì nhiệt độ thấp, lạnh vì bị ướt mưa càng khiến bữa rượu gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp ở đây thêm ấm áp...

Công trình thủy điện  Sơn La.
Công trình thủy điện Sơn La.

Ngày hôm sau, như dự định, chúng tôi có cuộc chinh phục đỉnh Fansipan. Nói là “chinh phục”, nhưng với hệ thống cáp treo hiện đại, việc đến với “mái nhà Đông Dương” đã dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ hơn 15 phút ngồi cáp treo, chúng tôi đã đặt chân đến ga cuối. Lại có một chút không may khi thời tiết hôm ấy có mưa nhẹ cộng với mây mù nên không có cơ hội được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng khung cảnh xung quanh. Dù rất tiếc, nhưng đó cũng là một trải nghiệm khó quên, để biết được thế nào là rét cắt da.

Chia tay Lào Cai, đoàn xuôi về Điện Biên. Nơi đây đang vào cuối mùa hoa ban nở nên thấp thoáng ven đường hoa ban nở trắng rừng. Không rét như ở Lào Cai, Điện Biên lúc này đang mang cái nóng do ảnh hưởng của gió Lào. Thành phố Điện Biên không lớn, nhưng đi đến đâu cũng thấy hiển hiện những chiến công lẫy lừng của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây cầu Mường Thanh, kia đồi A1, rồi hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát… đã nhuốm màu thời gian, rêu mọc xanh rì. Từ một cứ điểm quân sự, ngày nay, Điện Biên Phủ là nơi sinh sống, làm ăn của đông đảo các dân tộc anh em như Kinh, Hà Nhì, Mông, Thái, Dao Đỏ, Mèo…  Nhìn từ cứ điểm Đồi D1, thành phố Điện Biên như đang chuyển mình mạnh mẽ với đường sá rộng thênh thang, những ngôi nhà cao tầng san sát hướng ra cánh đồng Mường Thanh nổi tiếng.

Trên cung đường từ Biện Biên đi Sơn La, chúng tôi đã dừng chân một chút ở đỉnh đèo Pha Đin, một trong “tứ đại đỉnh đèo” huyền thoại của Tây Bắc (đèo Pha Đin, đèo Mã Pì Lèng, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ). Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là “trời”, Đin là “đất” hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Không chỉ vậy, Pha Đin cũng là nơi gắn liền với những chiến tích anh hùng trong lịch sử. Đến đỉnh đèo Pha Đin vào lúc trời đang đứng nắng nên không được chiêm ngưỡng cảnh mây mờ bao phủ. Bù lại, chúng tôi lại được ngắm những bản làng ẩn hiện giữa màu xanh ngút ngàn của núi đồi. Tất cả hòa quyện tạo nên một khung cảnh nên thơ.

Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình Tây Bắc của chúng tôi dừng lại ở Sơn La, nơi có hai công trình nổi tiếng, một của quá khứ, một ở hiện tại. Nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thành phố Sơn La, Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1908 để giam cầm các chiến sĩ cộng sản yêu nước. Từ nơi được ví như địa ngục trần gian này, nhiều chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, là nơi ươm những hạt giống đỏ để phong trào cách mạng Tây Bắc đơm hoa, kết trái sau này. Phát huy tinh thần đấu tranh kiên cường của những chiến sĩ cách mạng năm xưa, cũng ngay trên mảnh đất Sơn La này, công trình Thủy điện Sơn La - công trình thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á mọc lên như một lần nữa khẳng định ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.