Multimedia Đọc Báo in

Nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Cư M'gar

14:15, 16/04/2017

Với phương châm “việc dễ làm trước, việc khó làm dần từng bước”, những năm qua, các xã trên địa bàn huyện Cư M’gar đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động được sức dân để từng bước hoàn thành các tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phát huy sức mạnh lòng dân

Còn nhớ những ngày đầu khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Ea Kpam mới đạt khoảng 6/19 tiêu chí, gồm: bưu điện, điện, y tế, giáo dục, hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Nhìn vào các tiêu chí còn lại ai cũng ái ngại vì đều cần nguồn vốn lớn. Để không “lỡ hẹn” trong xây dựng NTM, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã xác định phải phát huy được tối đa nội lực, sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân. Trên tinh thần đó, địa phương đã thành lập các ban, tổ vận động cơ sở mà trong đó thành viên là những người cao tuổi, người có uy tín, đảng viên ở thôn, buôn. Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên trong xã luôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu, đồng thời kêu gọi gia đình, bà con họ hàng tham gia hiến đất, đóng góp tiền, ngày công tu sửa, xây dựng các hạ tầng cơ sở nông thôn để người dân làm theo. Cách làm này đã giúp Ea Kpam thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM. Trong 5 năm (2011-2015), xã đã huy động được khoảng 19,6 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, huy động nhân dân đóng góp hơn 2.000 ngày công lao động và hiến gần 2.000 m2 đất để nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn… Năm 2015, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và năm 2016 được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Người dân thôn 1, xã Ea Kpam tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn 1, xã Ea Kpam tham gia làm đường giao thông nông thôn.

 

 
“Hầu hết các xã trên địa bàn huyện Cư M’gar đều không còn tình trạng trông chờ kinh phí của Nhà nước mà luôn chủ động, huy động sức dân và các nguồn vốn lồng ghép để triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình NTM”
 
 Ông Nguyễn Văn MinhPhó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar.

Cư M’gar là xã nghèo của huyện với số hộ người dân tộc thiểu số chiếm 76%. Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã đã ưu tiên triển khai trước những tiêu chí không cần sự hỗ trợ vốn của Nhà nước như: Hình thức tổ chức sản xuất; hệ thống tổ chức chính trị xã hội; an ninh trật tự… Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cư M’gar cho hay, đối với những tiêu chí khó như giao thông, thủy lợi, môi trường… thì bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, địa phương đã tăng cường công tác vận động sự đóng góp của nhân dân làm dần theo phương thức mỗi năm một phần việc. Ví dụ như năm trước huy động dân cứng hóa một số đoạn đường nội thôn, buôn thì năm sau tiếp tục kêu gọi người dân đóng góp tiền làm bê tông. Để thực hiện tiêu chí môi trường, trước hết, xã đã vận động người dân tự thu gom, xử lý (chôn lấp, đốt) rác thải tại nhà, thường xuyên quét dọn đường làng ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh chung; đồng thời, xây dựng đề án thành lập tổ thu gom đưa rác thải đến bãi tập trung… Hiện nay, xã Cư M’gar đã đạt được 12/19 tiêu chí NTM; nhiều tiêu chí khó như môi trường, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa… đều đã đạt.

Không chạy theo thành tích

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Cư M’gar đã xác định: Thực hiện các tiêu chí phải bền vững, nhất quyết “nói không” với bệnh thành tích. Xuyên suốt quá trình triển khai, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện đã làm tốt công tác chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị chuyên ngành thống nhất siết chặt công tác kiểm tra, thẩm định, thực hiện đánh giá thực chất và khách quan... Để xây dựng thành công NTM, huyện quyết tâm thực hiện theo phương châm “tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm dần từng bước”; tập trung chỉ đạo bằng nhiều biện pháp quyết liệt, linh hoạt, trong đó chú trọng vào 3 nhóm công việc chính là: Tuyên truyền, huy động nguồn lực và đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng lên, nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện khoảng 150 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 91,5 tỷ đồng, ngoài ra là vốn lồng ghép khác. Đã triển khai làm mới, sửa chữa nâng cấp trên trên 173 km đường giao thông nông thôn; đầu tư, sửa chữa nâng cấp 5 hồ đập, nạo vét và kiến cố hóa 43 km kênh mương nội đồng... Đến nay, huyện Cư M’gar có 5 xã (Quảng Tiến, Ea Kpam, Ea Tul, Cư Đliê Mnông, Cuôr Đăng) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, 3 xã đạt 15-18 tiêu chí và 7 xã đạt 10-14 tiêu chí; thu nhập bình quân trên đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 8%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 85%...        

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.