Nỗi niềm cộng tác viên dân số vùng sâu
Miệt mài đến từng hộ gia đình, đi từng ngõ xóm tuyên truyền, vận động chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ)… đó là công việc không hề dễ dàng của những cộng tác viên (CTV) dân số vùng sâu.
Nhiều khó khăn, vất vả
Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao là 3 xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, tỷ lệ hộ nghèo, tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên … ở đây luôn ở mức cao của huyện. Đặc biệt, tại các thôn người Mông thường có địa bàn rộng, địa hình đa phần là đồi núi, dân cư phân bố không đồng đều, khiến cho các cán bộ dân số khó tiếp cận và quản lý. Chính những nơi này vai trò của CTV dân số “cắm buôn” lại càng quan trọng hơn.
Chị Sùng Thị Chợ - CTV dân số ở thôn Ea Rớt, một thôn đặc biệt khó khăn của xã Cư Pui chia sẻ, trong thôn 192 hộ thì có tới 180 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo. Người dân trong thôn đa phần là người Mông di cư từ phía Bắc vào sống rải rác ở các quả đồi, không tập trung tại một chỗ nên công tác quản lý và tuyên truyền về dân số gặp rất nhiều trở ngại. Nhiều gia đình đã có tới 7-8 người con rồi nhưng vẫn tiếp tục sinh con. Nhiều trường hợp chỉ mới nhác thấy bóng dáng CTV dân số là họ lẩn trốn, hoặc thẳng thừng đuổi về, kiên quyết không nghe cán bộ nói chuyện. Những lúc như vậy chị Chợ chỉ biết chờ dịp khác quay lại rồi tiếp tục tuyên truyền. Một khó khăn nữa đối với công việc của chị là đường sá đi lại rất khó khăn, nhiều khi hết thuốc tránh thai phát cho người dân nhưng chị không dám tự chạy xe hơn 20 km đường núi chênh vênh ra trạm y tế xã để lấy thuốc nên phải nhờ chồng chở đi…
Chị H’Lan M’Lô (bìa trái) tận dụng mọi thời gian có thể để tuyên truyền vận động chị em ở buôn Tul, xã Yang Mao về các biện pháp KHHGĐ. |
Ở xã Yang Mao, chị H’Lan M’Lô - CTV dân số của buôn Tul cũng gặp không ít khó khăn khi đi tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ cho người dân trong buôn. Chị H’Lan tâm sự: “Làm công tác tuyên truyền thì không chỉ “nói miệng” mà muốn họ tin và làm theo thì trước hết mình phải làm gương. Mình phải sinh đẻ có kế hoạch, nuôi con khỏe, con ngoan và chăm chút gia đình thật hạnh phúc thì mới nói người khác nghe được”. Với lòng nhiệt huyết và trách nhiệm, chị H’Lan đã không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt vai trò là cầu nối giữa chính sách dân số và người dân… “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần các cặp vợ chồng trong buôn cũng hiểu được những hệ lụy của việc sinh nhiều con và những lợi ích mà KHHGĐ mang lại. Năm 2016, chị đã vận động được hơn 30 người sử dụng các biện pháp tránh thai và không còn cặp vợ chồng nào trong buôn sinh con thứ 3 trở lên.
Chị H’Ri Êban, một CTV dân số ở buôn Tơng Rang A, xã Cư Đrăm chia sẻ: Công việc này đòi hỏi sự kiên trì nên nhiều lúc việc nhà, việc rẫy phải bỏ bê. Buôn Tơng Rang A có 92 hộ thì có tới 88 hộ nghèo vì tư tưởng thích đông con để có người làm. Trước thực trạng đó, chị H’Ri phải rà soát lại số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, những cặp vợ chồng sinh con một bề và kiên trì vận động, thuyết phục mong bà con dần thay đổi nhận thức. Nhờ vậy, mấy năm nay buôn không còn tình trạng tảo hôn, tỷ lệ sinh con thứ ba chỉ còn 1 - 2 trường hợp. Tuy gặp nhiều trở ngại nhưng công việc cũng mang đến cho chị nhiều niềm vui vì đã làm được những việc có ích cho xã hội.
Cần chế độ đãi ngộ hợp lý
Công việc khó khăn, vất vả nhưng chế độ phụ cấp đãi ngộ chưa được hợp lý nên nhiều CTV dân số vẫn chưa thể yên tâm công tác. Chị Chợ cho biết, mức phụ cấp cho CTV dân số hiện nay quá ít, trong khi công việc lại nhiều, đi lại khó khăn, có nhiều khi cả nửa năm chưa nhận được phụ cấp. Cùng suy nghĩ này, chị H’Lan cũng chia sẻ, nhiều lúc chị phải bỏ tiền túi để đi vận động, đưa chị em đi thực hiện các biện pháp KHHGĐ chứ tiền phụ cấp không đủ đổ xăng nói gì đến việc phụ giúp cho chị em trong buôn.
Ông Nguyễn Đình Thu, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Krông Bông cho biết, huyện Krông Bông hiện có 194 CTV dân số tại 142 thôn buôn thuộc 14 xã, thị trấn. Trong những năm qua, nhờ sự nhiệt tình của những CTV có uy tín trong cộng đồng mà chất lượng DS-KHHGĐ ở những thôn, buôn người đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa từng bước nâng cao. Năm 2016, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn huyện là 14,3% (giảm 1,2 % so với năm 2015); tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 19,5% (giảm 2,2 % so với năm 2015); tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 70% (tăng 1,2%)…
Tuy nhiên, để đội ngũ CTV dân số hoạt động ngày càng hiệu quả và bám trụ được lâu với nghề thì rất cần có chế độ đãi ngộ hợp lý hơn. Đó cũng chính là mong muốn của những CTV dân số ở vùng sâu như chị Chợ, chị H’Lan và H’Ri …
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc