Multimedia Đọc Báo in

"Bóng cả" của buôn làng

16:56, 14/05/2017

Với người dân xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), già làng Y Hơ Êban như bóng cả của buôn làng, mang đến nơi đây sự yên lành, vui tươi, hạnh phúc.

Truyền “lửa” đam mê cho thế hệ trẻ

Sinh ra trong không gian thấm đẫm văn hóa của cha ông mình để lại nên từ nhỏ già làng – nghệ nhân Y Hơ Êban (tên còn gọi là Aê Nháp) ở buôn Kơ Nia 4 đã may mắn tiếp xúc với nhiều nhạc cụ. Vừa được người thân truyền dạy, lại chịu khó mày mò, học hỏi nên chẳng mấy chốc, già có thể sử dụng và chế tác thành thạo nhiều loại nhạc cụ: chiêng kram, đàn goong, đinh năm, đinh tút, đàn prố, đinh buốt, đinh tắk tar. Với già, chúng như là món ăn tinh thần không thể thiếu, giúp già vui khỏe, thư giãn và trẻ trung hơn so với tuổi 70 hiện tại, nên chỉ cần rảnh rỗi, già lại mang chúng ra thư giãn. Tiếng kèn đinh năm, đinh tút, hay giọng hát ay ray… mà già thể hiện như chạm đến trái tim của những người thưởng thức.  

Già làng Y Hơ Êban hướng dẫn các bạn trẻ sử dụng chiêng kram.
Già làng Y Hơ Êban hướng dẫn các bạn trẻ sử dụng chiêng kram.

Thấy nhiều bạn trẻ ở buôn làng ngày càng xa rời vốn văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê, già rất buồn. Đau đáu bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một, từ năm 2004, già Y Hơ Êban bắt tay vào tham gia hướng dẫn, truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Để thổi lên ngọn lửa đam mê âm nhạc dân tộc trong trái tim các bạn trẻ, già hướng dẫn tận tình cách sử dụng sao cho phù hợp từng hoàn cảnh, tâm trạng, như: đàn goong có âm thanh đa dạng là phương tiện giúp chàng trai nói thay tâm sự, cảm xúc dành cho người họ yêu…

Với cách truyền dạy tận tâm, say sưa của mình, nhiều năm qua, già đã khiến các bạn trẻ buôn làng thêm yêu nhạc cụ truyền thống. Không ít gia đình hiểu được sự tâm huyết của già nên đưa con đến học, khiến cái bụng của già thêm vui. Tính đến nay đã có trên trăm thanh thiếu niên được già hướng dẫn, trong đó nhiều người đã tham gia các hội thi, hội diễn trên địa bàn tỉnh.

Vì bình yên buôn làng

Không chỉ có nhiều đóng góp trong gìn giữ vốn văn hóa dân tộc, già làng Y Hơ Êban còn mẫu mực, tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị giữ gìn an ninh trật tự buôn làng.  

 
“Già làng Y Hơ Êban được người dân Ea Bar yêu quý, tin tưởng không chỉ bởi nói những điều có tình có lý mà còn mẫu mực trong lao động sản xuất, luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người”
 
Chủ tịch UBND xã Ea Bar Y Sen Kbuôr

Chứng kiến buôn Kơ Nia 4 hiện nay bình yên, cuộc sống người dân ngày càng no ấm, hạnh phúc, ít ai biết, nơi đây từng là một trong những “điểm nóng” về an ninh chính trị. Chỉ vì tin lời kẻ xấu, bị các đối tượng Fulro lôi kéo nên nhiều người trong buôn đã vượt biên trái phép. Trong đó, một số thanh niên vì vượt biên bất thành đã lẩn trốn, không dám về với gia đình.

Già kể lại: sau khi vượt biên trái phép bất thành, Y Khoan H’Wing (buôn Kơ Nia 3) xấu hổ trốn lên rừng. Nắm được thông tin, già đã cùng cán bộ các cấp, chính quyền địa phương nhiều lần đến nhà động viên, nói chuyện phải trái và tạo thiện cảm tốt đẹp với người thân Y Khoan. Ròng rã suốt cả năm trời tuyên truyền bằng hình thức “mưa dầm thấm lâu”, già và người thân Y Khoan đã giúp anh nhận ra lỗi lầm, trở về gia đình. Quyết tâm làm lại từ đầu, hiện nay, Y Khoan đã có vợ, chăm chỉ làm ăn, sống có trách nhiệm.

Tương tự, sau khi được già làng Y Hơ Êban cảm hóa, dạy những điều hay lẽ phải, Y Brơi H’Đấc (buôn Kơ Nia 4) đã không còn nghe theo lời kẻ xấu. Hiện vợ chồng anh có cuộc sống khá sung túc, cả hai tích cực lao động, phát triển kinh tế gia đình…

Là già làng tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều năm qua, già làng Y Hơ Êban được UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an các cấp… biểu dương, khen thưởng. Gần đây nhất là dịp tháng 4-2017, già đã cùng 13 già làng, trưởng thôn đại diện cho các già làng, trưởng thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tham dự buổi gặp mặt do Quân khu 5 tổ chức.

Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình, già tự hào: Chuyến ra thăm biển đảo Trường Sa năm 2014 in đậm mãi trong tâm trí già. Nơi đó gian lao, vất vả không kể hết, nhưng những người lính hải quân vẫn chắc tay súng, bảo vệ và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.  

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.