Multimedia Đọc Báo in

Điện Biên Phủ hôm nay

08:29, 05/05/2017

Ngày nay, nhắc đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, du khách trong nước và quốc tế đều ngưỡng mộ và mong muốn ít nhất có một lần tới tham quan, tìm hiểu.

Có thể nói, hiếm có thành phố nào mang trong mình nhiều dấu tích chiến tranh như Điện Biên Phủ. Quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ bao gồm các hạng mục như đồi Him Lam, nơi xảy ra trận đánh mở màn chiến dịch; đồi A1 nơi xảy ra trận đánh hết sức ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất; cầu Mường Thanh, nơi quân ta vượt qua để tiến công vào sào huyệt cuối cùng của giặc Pháp; Nghĩa trang Liệt sĩ đồi A1, nơi yên nghỉ của những người con đã làm nên bản anh hùng ca lịch sử; các đồi D1, C1; hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát, sân bay Mường Thanh... Tất cả được quy tụ thành một cụm di tích liên hoàn nằm gọn trong lòng thành phố. Đó cũng là nền tảng quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của Điện Biên.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ Vũ Thị Tuyết Nga, tỉnh Điện Biên đã và đang đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo tàng nhằm phát huy hơn nữa giá trị của các di tích lịch sử. Trên nền tảng bảo tồn và phát huy những di tích, hiện vật sẵn có, tại Điện Biên đang xuất hiện nhiều công trình mới, tạo dấu ấn trong lòng du khách. Trong đó dự án Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những điểm nhấn quan trọng thu hút đông đảo du khách tham quan. Hay như Tượng đài chiến thắng đặt trên đỉnh đồi di tích D1 nằm ở trung tâm TP. Điện Biên Phủ – một công trình nghệ thuật kiến trúc đồ sộ, biểu tượng tinh thần quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam...

TP. Điện Biên Phủ nhìn từ đồi D1.
TP. Điện Biên Phủ nhìn từ đồi D1.

Đến Điện Biên, mỗi người không chỉ được sống lại ký ức hào hùng của lịch sử mà còn được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất này. Đó là những ngôi nhà cao tầng san sát, những đường phố khang trang hướng về cánh đồng Mường Thanh nổi tiếng. Chạy dọc thung lũng Mường Thanh, nơi diễn ra cuộc đọ sức lịch sử năm xưa là Đại lộ Võ Nguyên Giáp, con phố chính và lớn nhất TP. Điện Biên Phủ.

Theo một đồng nghiệp ở Báo Điện Biên, cùng với phát triển nông nghiệp thông qua việc khai thác tốt cánh đồng phì nhiêu Mường Thanh rộng đến 120 km2, Điện Biên định hướng phát triển mạnh thương mại, du lịch. Chỉ cách biên giới Lào 30 km, Điện Biên Phủ là một trung tâm thương mại, điểm luân chuyển hàng hóa quan trọng của Lào, Thái Lan và các tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Điện Biên còn đặc biệt hấp dẫn với những di tích lịch sử cũng là điều kiện để tỉnh phát triển mạnh du lịch văn hóa - lịch sử.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga chia sẻ, với phương châm “Giữ chân du khách lâu hơn, khai thác triệt để giá trị điểm di tích, tích cực quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh”, thời gian qua ngành Du lịch Điện Biên đã nỗ lực đổi mới tư duy từ cách làm du lịch đến nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang cảnh quan môi trường, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch tại các điểm di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên…

Có thể nói, với một vùng đất mang trong mình giá trị lịch sử to lớn, Điện Biên Phủ đã và đang từng ngày phát triển bởi hướng đi đúng đắn của mình. Mục tiêu của Đảng bộ và nhân dân Điện Biên hướng đến là năm 2020, thành phố này sẽ trở thành đô thị loại II.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.