Dự án tái định canh, định cư xã Đắk Nuê bao giờ mới về đích?
Theo kế hoạch, năm 2015, Dự án Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân di cư tự do (DCTD) và thực hiện định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các xã Đắk Nuê, Đắk Phơi (huyện Lắk) sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục công trình chưa được triển khai, gây không ít khó khăn cho người dân vùng dự án.
Theo đó, Dự án có diện tích tự nhiên trên 2.868 ha thuộc 2 xã Đắk Nuê và Đắk Phơi, trong đó tập trung chủ yếu ở các tiểu khu 1407, 1409 và 1415 ở xã Đắk Nuê, diện tích hơn 2.828 ha và một phần tiểu khu 1388, thuộc xã Đắk Phơi, diện tích hơn 39 ha. Quỹ đất để quy hoạch khu ĐCĐC tập trung khoảng 25 ha được lấy từ đất rẫy và nhà tạm của một số hộ thuộc đối tượng của dự án; mỗi hộ được cấp đất 800 m2.
Mục tiêu của dự án là bố trí, sắp xếp định cư cho các hộ DTTS tại chỗ đang du canh du cư và các hộ DCTD; ổn định đời sống cho 167 hộ, 1.327 nhân khẩu (thời điểm lập dự án) và 46 hộ, 228 nhân khẩu (tăng tự nhiên). Đến năm 2015, dân số vùng dự án là 313 hộ, 1.555 nhân khẩu. Các hộ trong vùng dự án sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, bố trí đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Thời gian thực hiện dự án này trong vòng 5 năm (2009 – 2015).
Người dân vùng dự án tự đào giếng để có nước sinh hoạt. |
Theo Quyết định 2339/QĐ - UBND, ngày 3-9-2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án này, trong tổng mức đầu tư không có kinh phí đền bù nhà ở và hoa màu, nhưng khi triển khai, phát sinh nhiều trường hợp đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Đến năm 2012, UBND tỉnh mới có quyết định điều chỉnh dự án, trong đó, chi phí hỗ trợ và đền bù GPMB hơn 7,6 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư (UBND huyện Lắk) đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư được 8/13 hạng mục công trình, với tổng vốn trên 39,3 tỷ đồng; đã hoàn thành, bàn giao được 3/8 công trình gồm phân hiệu trường tiểu học, trường mầm non và cầu tràn liên hợp; các hạng mục còn lại chưa được triển khai. Kế hoạch vốn đã bố trí cho dự án trên 28,6 tỷ đồng, riêng kinh phí GPMB hơn 1,9 tỷ đồng.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 49,9 tỷ đồng. Trong đó, 70% ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, ngày 24 – 8 – 2006 của Thủ tướng Chính phủ và 30% vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. |
Thời hạn thực hiện đã hết, trong khi nhiều hạng mục quan trọng của dự án chưa được triển khai đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân vùng dự án. Đơn cử như hạng mục đường chính vào vùng dự án, với chiều dài 8 km, kinh phí gần 6 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển phân bón, nông sản; nhất là mùa mưa đến, đường lầy lội, người dân vùng dự án gần như bị cô lập với bên ngoài.
Theo Quyết định số 1415/QĐ-UBND, ngày 3-7-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án Quy hoạch sắp xếp dân DCTD 2 xã nói trên, tại vùng dự án này sẽ được đầu tư đường điện hạ thế 4KV, chiều dài 6 km, kinh phí khoảng 7,2 tỷ đồng; đường dây điện sinh hoạt gần 9 km, kinh phí gần 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa được bố trí vốn, vùng dự án tại xã Đắk Nuê dân vẫn phải sử dụng đèn dầu, bình ắc quy, hộ nào có điều kiện hơn thì sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt, còn việc tưới tiêu cho cây trồng, hoa màu, toàn vùng phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Vào mùa khô, cây trồng thiếu nước tưới khô héo hết, gặp năm nào hạn thì coi như mất mùa.
Anh Trương Xuân Hòa, Bí thư Chi bộ buôn Đắk Sar cho biết, Đắk Sar có 264 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu dân DCTD từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai vào từ năm 2008 đến nay. Trong đó, 244 gia đình thuộc diện hộ nghèo (chiếm hơn 92% tổng số hộ trong buôn), còn lại là hộ cận nghèo. Hiện nay số hộ sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời tại buôn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số dùng bình ắc quy hoặc đèn dầu; vào mùa mưa, hầu hết sử dụng đèn dầu vì điện năng lượng mặt trời không cung cấp đủ. Nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đề nghị chủ đầu tư sớm triển khai các hạng mục còn lại của dự án để ổn định đời sống và sản xuất nhưng không có kết quả.
Ông Nguyễn Quốc Đồng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng huyện Lắk cho biết, việc bố trí nguồn vốn cho dự án chậm, mặt khác trong quá trình thực hiện có sự thay đổi về chế độ, chính sách… nên tổng mức đầu tư tăng cao. Bên cạnh đó, dự án phát sinh chi phí GPMB, trong khi nguồn vốn bố trí thấp nên chưa thực hiện chi trả cho các hộ dân, dẫn tới dự án chậm tiến độ. Vừa qua, huyện đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện dự án này đến năm 2020.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc