Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em: Việc cần làm ngay

08:37, 05/05/2017

Trước thực trạng các vụ quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gần đây gia tăng, việc giáo dục, trang bị kỹ năng phòng vệ cho trẻ em trong từng trường hợp và bất cứ tình huống nào, ở đâu là việc cần làm ngay.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, nạn ấu dâm ngày càng xuất hiện nhiều đó chính là đa phần các em thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng ứng phó với những người xấu, hành vi xấu. Chính vì thế, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh đã tổ chức chuyên đề kỹ năng sống “Nói không với xâm hại tình dục trẻ em” tại một số trường học trên địa bàn. Mới đây nhất là tổ chức cho các em học sinh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Với các em ở đây, mỗi em một hoàn cảnh, số phận nhưng điểm chung là luôn thiếu vắng tình thương, sự quan tâm của cha mẹ, người thân; do đó những kiến thức về giới tính, kỹ năng sống, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ em càng không được trang bị đầy đủ. Trong khi đó, các em luôn sống trong môi trường tập thể, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Chính vì thế, để giúp các em làm chủ bản thân, chương trình đã đưa ra cách xử lý những tình huống gặp phải khi đi một mình qua đoạn đường vắng gặp người xấu; khi người lạ cho tiền, tặng quà, rủ đi chơi; khi bị đối tượng xấu xâm hại… Hay chỉ rõ những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể các em mà tuyệt đối không để người khác sờ, động chạm vào. Song song đó là kỹ năng giúp các em nhận biết những hành vi xấu của người khác, cách chia sẻ với người lớn về những điều vừa xảy ra để kịp thời bảo vệ các em.

Các em học sinh tìm hiểu về các trường hợp bị xâm hại tình dục trẻ em.
Các em học sinh tìm hiểu về các trường hợp bị xâm hại tình dục trẻ em.

Em Hy Sóc (học sinh THCS) chia sẻ: “Mặc dù cũng được các thầy cô ở trường và Trung tâm có nói đến việc phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em nhưng thường không cụ thể. Bây giờ qua chương trình em biết thêm được là không chỉ trẻ em gái mà cả trẻ em nam cũng bị xâm hại tình dục; đặc biệt sau khi xem các tình huống em càng biết rõ đối tượng xấu có nhiều cách xâm hại tình dục trẻ em”. Với em H’Nem (học sinh THCS), dù chuyên đề chỉ diễn ra trong 1 buổi nhưng đã giúp em hiểu rõ hơn về những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra khi đi chơi một mình hay tiếp xúc với người lạ. Để từ đó, em và các bạn biết nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng, bảo vệ bản thân trước nạn xâm hại tình dục.

Các em rất quan tâm đến thông tin về số liệu thống kê trẻ em bị xâm hại tình dục như: cứ 6 trẻ em nam thì có 1 em bị xâm hại tình dục, 4 trẻ em gái có 1 trẻ bị xâm hại và trung bình cứ 8 tiếng có 1 trẻ bị xâm hại. Riêng trên địa bàn tỉnh, trong năm 2016 đã xảy ra 56 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Hơn thế nữa, khi xem clip nói về những vụ án xâm hại trẻ em xảy ra thời gian qua trên địa bàn cả nước, các em mới thực sự giật mình trước hậu quả, nỗi đau để lại bởi nạn nhân là các em bé chỉ mới 3 - 4 tuổi hay những bạn học sinh cùng trang lứa với mình…

Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tâm sự: “Trước những vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo chí phản ánh trong thời gian qua, việc trang bị cho các em (đặc biệt là các em học sinh ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) những kiến thức, kỹ năng phòng chống khi bị đối tượng xấu xâm hại là điều rất cần thiết. Ban đầu nhiều em tỏ ra e ngại, rụt rè khi đề cập đến vấn đề này nhưng chỉ một lúc sau các em đã mạnh dạn chia sẻ, bày tỏ quan điểm của mình cũng như đưa ra những cách xử lý tình huống khi gặp phải”. Được biết, trước đó Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh đã tổ chức chuyên đề kỹ năng sống “Nói không với xâm hại tình dục trẻ em” cho các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Buôn Ma Thuột). Sắp tới, chương trình sẽ được triển khai ở một số trường khác trên địa bàn thành phố.

Thiết nghĩ, đây là một chương trình hay và ý nghĩa, bởi hiện nay có rất ít các trường tổ chức chuyên đề về kỹ năng sống, phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh. Trong khi đó, trẻ em được giáo dục giới tính càng sớm càng tốt. Đó cũng là cách để làm giảm bớt những vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.           

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.