Multimedia Đọc Báo in

Làm giả hồ sơ trục lợi chính sách người có công

09:06, 30/05/2017

Vấn nạn làm giả hồ sơ để được hưởng các chế độ đãi ngộ đối với người có công (NCC) tồn tại dai dẳng và ngày càng tinh vi. Mới đây, Thanh tra Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Quân khu V đã kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ thương binh ở 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk và đã phát hiện một lượng không nhỏ hồ sơ làm giả.

Hàng trăm hồ sơ thương binh giả

Theo kết luận của Thanh tra Bộ LĐ-TBXH, các dấu hiệu làm giả hồ sơ điển hình như: phông chữ trên giấy chứng nhận bị thương là phông có sau năm 2003, nhưng giấy lại được ký trước năm 1975; Quốc hiệu trước năm 1976 là “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” nhưng trên giấy giả lại ghi “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”; một số trường hợp tẩy xóa giấy chứng nhận, khi giám định vẫn còn thấy tên người trước đây; một số trường hợp dấu, con dấu được kẻ vẽ bằng tay…

 Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, Bộ LĐ-TBXH đã phân số hồ sơ trên thành 2 nhóm để xử lý. Nhóm thứ nhất là đình chỉ chế độ và truy thu toàn bộ số tiền hưởng sai quy định. Nhóm thứ 2 là cho bổ sung hồ sơ bởi ở đơn vị không còn lưu giữ giấy tờ chứng minh đối tượng bị thương. Sở LĐ-TBXH đang làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để đề nghị thông báo kết luận cụ thể đối với những trường hợp cho bổ sung. Đối với trường hợp đình chỉ chế độ thì đề nghị đơn vị thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận bị thương, quyết định cấp thẻ thương binh để Sở có cơ sở đình chỉ chế độ, truy thu số tiền hưởng sai quy định.

Cán bộ chính sách huyện Ea Kar làm việc với lãnh đạo Phòng Người có công  (Sở LĐ-TBXH) về giải quyết chế độ đối với người có công.
Cán bộ chính sách huyện Ea Kar làm việc với lãnh đạo Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) về giải quyết chế độ đối với người có công.

 Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài số hồ sơ giả do Thanh tra Bộ LĐ-TBXH và Quân khu V phát hiện, từ năm 2012 đến nay, qua tiếp nhận phản ánh của người dân và kết quả rà soát hồ sơ NCC, Sở LĐ-TBXH và các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 157 trường hợp có dấu hiệu làm giả hồ sơ; trong đó có 121 hồ sơ thương binh, 2 hồ sơ người hưởng chính sách như thương binh, 25 hồ sơ bệnh binh, 6 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 2 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1 hồ sơ tuất liệt sỹ và 1 hồ sơ hưởng chế độ theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ. Những hồ sơ giả mạo, man khai chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc chuyển vào.

Trong số 53 hồ sơ Phòng NCC phát hiện giả mạo giấy tờ có thể kể đến trường hợp ông Trần Văn Khải (buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin), tỷ lệ thương tật 70%. Theo biên bản xác minh hồ sơ ngày 12-4-2012, ông Khải khai: Tháng 6-1970, ông đi bộ đội tại C3, D7, Quân đoàn 2  đóng ở Hà Nội - Gia Lai - Kon Tum. Ông Khải nhận chế độ trợ cấp bệnh binh tại Hà Tây (nơi đơn vị đóng quân - trước khi xuất ngũ năm 1981). Sau khi xuất ngũ, ông Khải về quê sinh sống và nhận chế độ bệnh binh tại xã Trực Thuận (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) từ đó đến năm 2009. Năm 2006 ông Khải từ tỉnh Nam Định vào huyện Cư Kuin lập nghiệp, nên từ năm 2006 đến tháng 1-2009, chế độ trợ cấp do mẹ ông ở Nam Định nhận. Năm 2009, ông Khải đến Sở LĐ-TBXH tỉnh Nam Định xin chuyển chế độ và nộp vào Sở LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng theo công văn số 263, ngày 10-4-2012 của Sở LĐ-TBXH tỉnh Nam Định phúc đáp công văn số 327 của Sở LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk thì, trường hợp của ông Khải không có hồ sơ lưu tại tỉnh Nam Định và Sở này không chuyển hồ sơ vào Đắk Lắk.

Trên cơ sở phúc đáp trên, Sở LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk đã tạm dừng trả chế độ từ tháng 12-2012 đối với ông Khải để chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an xử lý theo pháp luật. Trong buổi làm việc với Sở LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk, ngày 21-5-2012, ông Khải khai nhận bộ hồ sơ là do ông Trần Văn Chính, ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana bán cho ông với giá 40 triệu đồng vào tháng 2-2009.

Kiên quyết xử lý

Để ngăn chặn tình trạng khai man, gian lận hồ sơ để trục lợi, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực NCC.

Đến nay, Sở LĐ-TBXH đã tạm đình chỉ chế độ trợ cấp hằng tháng đối với 46 trường hợp và đình chỉ chế độ trợ cấp 111 trường hợp được cho là làm giả hồ sơ với tổng số tiền gần 8,5 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành chức năng đã truy tố 66 trường hợp giả mạo, man khai hồ sơ để trục lợi chính sách, với mức án cao nhất là 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cách đây chưa lâu Phạm Bá Minh (thôn Nam Thái, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) đã bị TAND tỉnh tuyên phạt 1 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, vào ngày 25-11-2016, Hội đồng xét phúc thẩm TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Bùi Phương (thôn Nam Lộc, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) 1 năm 3 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điển hình phải kể đến vụ án xét xử ngày 9-6-2004 có 43 bị cáo và nguyên đơn gồm 6 Sở LĐ-TBXH: Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Nai, Ninh Thuận. TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt các bị cáo về tội “Lừa  đảo chiếm đoạt tài sản”, mức án cao nhất là 11 năm tù. Trong đó, bị cáo Trần Văn Chính (ở thôn 10/3, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, có vợ là bà Đồng Thị The - đồng bị cáo trong cùng vụ án) bị tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù vì đã môi giới làm 35 bộ hồ sơ; trong đó 32/35 hồ sơ môi giới giả đã được sử dụng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước, trong đó có một hồ sơ thương binh giả của Chính.

Mặc dù mức xử phạt nghiêm khắc nhưng vẫn còn không ít đối tượng vì hám lợi, lợi dụng kẻ hở của pháp luật trục lợi tiền của Nhà nước. 

Theo ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TBXH, qua tuyên truyền, vận động nhiều đối tượng đã tự nguyện đến nộp lại số tiền hưởng sai quy định, trong đó có một số đối tượng cho bổ sung hồ sơ. Đối với những trường hợp đã có kết luận làm giả hồ sơ thì đình chỉ chế độ, truy thu số tiền hưởng sai, thu hồi thẻ thương binh, thẻ bảo hiểm y tế tránh tình trạng sử dụng các loại giấy tờ trên để trục lợi hưởng các chế độ khác, chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý.              

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc