Lo ngại tình trạng tảo hôn ở huyện Krông Búk
Trong thời gian qua, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra tại nhiều nơi thuộc huyện Krông Búk, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
H’Phúc Ayun sinh ra trong gia đình có 3 chị em ở buôn Ea Liang, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk). Học hết lớp 7 thì H’Phúc bỏ học, sau đó lấy chồng khi mới 16 tuổi và hiện đã sinh con được 2 tháng. H’Phúc than thở: “Gia đình em không có đất canh tác nên hằng ngày chồng em là Y Thăng Niê phải đi làm thợ hồ, tưới cà phê cho người ta… hoặc làm những việc khác để kiếm tiền. Nhưng thu nhập bấp bênh nên nhiều hôm em không có tiền để mua sữa hay thức ăn cho con”.
Gần nhà H’Phúc có H’Da Knul cũng bỏ học và lấy chồng rất sớm, khi mới 17 tuổi. Hiện nay, trong khi nhiều bạn cùng tuổi đang cắp sách đến trường để vun đắp tương lai thì H’Da hằng ngày phải gánh lên mình nhiều lo toan về cơm áo gạo tiền. H’Da tâm sự: “Em là con đầu trong 3 chị em nên bố mẹ bảo em lấy chồng sớm để có người làm việc, phụ giúp gia đình”.
Xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) hiện có khoảng 2.530 hộ với gần 11.500 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 75% dân số. Trong những năm qua, mặc dù xã đã đẩy mạnh truyền thông về dân số - KHHGĐ đến người dân song tình trạng tảo hôn ở đây không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Năm 2014, trên địa bàn xã có 2 cặp vợ chồng tảo hôn, năm 2015 có 3 cặp và năm 2016 có 8 cặp. Chị H’Miăng Ayun, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Pơng giải thích: “Có những ông bố, bà mẹ muốn con mình lấy vợ, lấy chồng sớm để có người làm việc; một số trẻ vị thành niên thích nhau nhưng vì thiếu hiểu biết rồi lỡ mang thai nên về ở với nhau thành vợ chồng”.
Cán bộ dân số xã Cư Pơng (trái) tư vấn cho người dân cách chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
Không chỉ ở xã Cư Pơng, tình trạng tảo hôn còn xảy ra ở một số xã như Cư Né, Ea Sin… Riêng năm 2016, toàn huyện Krông Búk có 27 cặp vợ chồng tảo hôn. Bà Hoàng Thị Thu Hoài, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Krông Búk cho biết: “Để giảm thiểu tình trạng này trong thời gian tới, chúng tôi xác định công tác truyền thông là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó, chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông nhóm và lựa chọn đối tượng có nguy cơ cao là trẻ vị thành niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tư vấn cho các em cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, những hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đối với sức khỏe của người phụ nữ và chất lượng giống nòi”.
Thiết nghĩ, công tác truyền thông là việc làm rất cần thiết, nhưng chừng đó thôi chưa đủ mà cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc thực thi nghiêm minh các chế tài xử phạt những trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn.
Thảo Nguyên
Ý kiến bạn đọc