Multimedia Đọc Báo in

Một thuở hào hùng

17:36, 18/05/2017

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm Di tích lịch sử quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) thuộc địa bàn các xã Cư Pui, Yang Mao, Hòa Phong của huyện Krông Bông.

Trở về với cội nguồn, nơi in dấu chân của các bậc cha anh đã anh dũng kiên cường vượt qua khó khăn gian khổ để bảo vệ quê hương, đất nước, trong tôi trào dâng những cảm xúc mãnh liệt về quá khứ hào hùng của dân tộc. Đường đến khu căn cứ có nhiều quãng phải đi bộ, leo dốc, băng rừng, vượt suối, thế nhưng không làm chúng tôi chùn bước chân, mà trái lại càng thêm tự hào, được sống lại một thời kỳ gian lao mà anh dũng, vì được đi trên con đường cha ông ta đã từng đi.

a
Đường vào Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 1965-1975.

Từ thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông đi theo tỉnh lộ 12 khoảng 15 km rồi rẽ phải thêm 8 km sẽ đến buôn H’Ngô A, sau đó leo núi 2 km nữa là đến điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V (10/1971) trên đỉnh núi Cư Dang Klơ (nằm trong dãy Cư Yang Sin) thuộc địa phận xã Hòa Phong. Từ vị trí này, tiếp tục đi tham quan trung tâm của Khu căn cứ kháng chiến tỉnh tại buôn Đăk Tuôr, xã Cư Pui. Đây là nơi tập trung của các cơ quan ban ngành làm việc trong kháng chiến chống Mỹ với những dấu tích như: Hội trường Tỉnh ủy, Bếp Hoàng Cầm, Nhà ăn tập thể, Phòng họp, khu vực làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy… Đây cũng là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III. Tiếp đó là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV tại vùng trũng của núi Yang Mao, buôn M’nang Dơng xã Yang Mao....


Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk nằm dưới chân dãy Cư Yang Sin hùng vĩ, đây là một trong những dãy núi có địa hình hiểm trở, với đặc điểm là rừng già rậm rạp, có suối, có sông và sườn núi là những vách đá cheo leo…tạo thế dựa vững chắc cho khu căn cứ địa cách mạng. Điều thú vị là các địa điểm diễn ra 3 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều nằm gần các dòng suối nhỏ: Đại hội III (suối Ea Play), Đại hội IV (suối Ea Kmăt), Đại hội V (suối Ea Drui)… để thuận tiện cho việc lấy nước sinh hoạt, ăn uống của cán bộ, chiến sĩ, đại biểu. Và chỗ dựa quan trọng nhất chính là dựa vào nhân dân, được người dân ủng hộ chở che. Cả 3 kỳ Đại hội đều tổ chức gần buôn của đồng bào, để thuận lợi trong công tác bảo vệ an ninh và tuần tra canh phòng. Cụ Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk hồi tưởng: “Dù nghèo nhưng bà con nơi đây vẫn cung cấp thực phẩm cho bộ đội, nào là rau, bí, ngô...  những kỷ niệm đó theo tôi suốt những năm tháng sau này”. Từ những hồi tưởng về quá khứ của các bậc lão thành cách mạng và qua thực tế chuyến đi, anh Lê Đình Tuấn (Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh) đã xúc động chia sẻ: “Đối với tôi, đây là những trải nghiệm khó quên trong đời, bởi đằng sau vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, của dãy núi Cư Yang Sin là cả một kho tàng những giá trị lịch sử quý báu, được xây nên từ sự hy sinh thầm lặng của biết bao con người nơi đây, thế hệ trẻ hôm nay không bao giờ lãng quên những giá trị to lớn đó”.

Đến thăm nơi đặt Văn phòng Tỉnh ủy trong Khu căn cứ kháng chiến

Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk còn là nơi ghi dấu ấn lịch sử quan trọng, khẳng định lòng sắt son của các dân tộc Đắk Lắk, đặc biệt là đồng bào dân tộc M’nông, Êđê với Đảng. Những người con nơi đây đã trực tiếp gắn bó, chiến đấu, bằng lòng quả cảm và tình yêu đất nước như Anh hùng Y Ơn, Y Thuyên, Võ Sanh… Đến nay, tại buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui đã có nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê, để ghi nhớ sự hy sinh của ông cho mảnh đất này. Chúng tôi may mắn được gặp vợ của ông Y Ơn khi ghé thăm nhà tưởng niệm. Tuy tuổi đã cao, đi lại khó khăn nhưng ai đến thăm bà cũng chào đón bằng ánh mắt thân thương, hướng về ngôi nhà với lòng tự hào sâu sắc.

Trải qua thời gian và những mưa nắng của thiên nhiên nên các công trình ở địa điểm này đã hư hỏng, địa hình, đường đi cũng bị thay đổi bởi nương rẫy của đồng bào. Dấu tích còn lại chỉ là những vạt rừng, hẻm núi, những căn hầm khuất lấp dưới tán cây rậm rạp, nhưng vẫn vang vọng về một thuở hào hùng của thế hệ cha anh, để ai đặt chân đến đây đều trào dâng cảm xúc với lòng tự hào dân tộc, với sự tri ân thành kính. Có thể nói, đây chính là một địa chỉ đỏ góp phần giáo dục về ý chí quật cường, tinh thần cách mạng cao cả, truyền thống yêu nước của dân tộc cho  thế hệ trẻ hôm nay.


Ánh Ngọc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.