Multimedia Đọc Báo in

Một Tiến sĩ gắn bó với cây nấm

15:22, 15/05/2017

Chứng kiến nhiều vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc nên khi còn là sinh viên Sư phạm Sinh học, Tiến sĩ Nguyễn Phương Đại Nguyên, Trưởng bộ môn Sinh học - Trường Đại học Tây Nguyên đã chọn ngành nấm để nghiên cứu rồi gắn bó sự nghiệp từ đó cho đến nay được gần 20 năm.

 Thầy Nguyên cho biết, nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại nấm nào cũng ngon và bổ. Đơn cử như loại nấm linh chi đang được rất nhiều người tin dùng như một loại “thần dược”. Tuy nhiên ít ai biết rằng trong số hàng trăm loài thuộc họ nấm linh chi, chỉ có từ 5-7 loài có giá trị dược liệu. Ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có hàng nghìn loài nấm lành, nấm độc mọc trong tự nhiên có màu sắc, hình dáng  rất giống nhau, bằng mắt thường rất khó phân biệt.

Khi bắt tay vào nghiên cứu nấm, thầy Nguyên gặp không ít khó khăn bởi nguồn tài liệu tham khảo rất khan hiếm, chưa có nhiều nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu, do vậy, thầy phải tự tìm tòi và liên hệ với các chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam nhờ giúp đỡ.

 Thầy Nguyên  làm  thí nghiệm lên men nấm.  ( Ảnh  nhân vật cung cấp).
Thầy Nguyên làm thí nghiệm lên men nấm. ( Ảnh nhân vật cung cấp).

Năm 2009, thầy đánh dấu sự nghiệp khai phá thế giới nấm của mình bằng chuyến đi 5 ngày đêm cùng nhóm học trò vào Vườn Quốc gia Chư Yang Sin để thực hiện đề tài cấp Nhà nước về sự đa dạng, bảo tồn một số loài nấm có giá trị dược liệu. Thầy trò phải mang theo xoong nồi, thực phẩm, theo chân cán bộ Vườn cuốc bộ từ sáng đến tối mịt mới lên tới đỉnh núi. Vì “hành quân” vào mùa mưa nên chuyện trượt té, thương tích là điều không tránh khỏi, tuy nhiên cả thầy và trò đều vui vì chuyến đi thành công, thu về nhiều mẫu nấm quý hiếm phục vụ đề tài nghiên cứu. Để thu thập đủ thông tin phục vụ công tác chuyên môn, hầu như các cánh rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ở Tây Nguyên, thầy đều đặt chân đến, mỗi năm từ 5-7 lần. Dù hành trình gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng tình yêu dành cho ngành nấm vẫn luôn rực cháy trong thầy.

Thầy Nguyên hướng dẫn sinh viên đi thực tế tại Vườn Quốc gia
Thầy Nguyên hướng dẫn sinh viên đi thực tế tại Vườn Quốc gia.

Gần 20 năm gắn bó với ngành nấm, thầy Nguyên đã định danh được khoảng 300 loại nấm ở vùng Tây Nguyên, ghi nhận trên 10 loài mới cho khoa học ở Việt Nam. Hiện thầy đang kết hợp với Giáo sư Tiến sĩ khoa học Trịnh Tam Kiệt ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội và Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Bá Dũng Trường Đại học Đà Lạt, nghiên cứu sinh Trần Thị Thu Hiền Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk hoàn tất các công đoạn chứng minh 2 loài nấm mới. Thầy cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ khoa học kỹ thuật chất lượng cao giai đoạn 2007-2012.

Bênh cạnh công tác nghiên cứu, giảng dạy, thầy Nguyên còn hướng dẫn sinh viên, học viên cao học bảo vệ thành công đề tài khoa học, luận án có giá trị thực tiễn; nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất các loài nấm có giá trị dược liệu, kinh tế cao như: đông trùng hạ thảo, nấm hoàng đế, linh chi; xây dựng quy trình trồng một số loại nấm có giá trị dược liệu có nguồn gốc tại Tây Nguyên để duy trì, bảo tồn nguồn gen quý hiếm về nấm đang có nguy cơ tuyệt chủng...  

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.