Multimedia Đọc Báo in

Người buôn trưởng tận tụy với buôn làng

15:58, 07/05/2017

Hơn 12 năm làm buôn trưởng buôn Rjai (xã Nam Ka, huyện Lắk), ông Y KRang Bu Dơng luôn nhiệt tình, tận tụy với công việc, được bà con trong buôn luôn quý mến, tin tưởng.

Ông Y KRang Bu Dơng là người dân tộc M’nông sinh năm 1950 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Sau khi xuất ngũ trở về, ông tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, sau 3 nhiệm kỳ giữ chức xã đội trưởng, đến năm 2004 ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm buôn trưởng cho đến nay.

Buôn trưởng Y KRang cho biết, sau ngày giải phóng buôn Rjai là buôn đặc biệt khó khăn ở xã Nam Ka, huyện Lắk. Toàn buôn có 112 hộ, với 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Êđê, M’nông, Thái, Mường..., nằm cách trung tâm thị trấn 40 km, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Để làm một trưởng buôn có ích cho dân, ông xác định phải gắn bó sâu sát, lắng nghe và hiểu được nguyện vọng của dân.

Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, ông Y KRang thường đến từng nhà thông báo, vận động bà con tham gia hội họp đầy đủ để tuyên truyền chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước; khuyên bảo và răn đe nghiêm khắc những trường hợp vi phạm. Dần dần các tệ nạn trong buôn không còn, tình hình an ninh trật tự được ổn định. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học, mong muốn trẻ em trong buôn được đến trường biết cái chữ, nhiều năm qua ông Y KRang đã phối hợp với giáo viên nhà trường đến từng nhà vận động bà con cho con em mình đến trường và duy trì việc đi học đều đặn. Với sự nhiệt tình của ông, nhiều năm trở lại đây tình trạng học sinh bỏ học của buôn Rjai đã giảm đáng kể từ 70% đến nay trẻ em trong buôn đều được bố mẹ quan tâm cho đi học đúng độ tuổi.

  Ông Y KRang Bu Dơng  - buôn trưởng  ưu tú  của  dân làng.
Ông Y KRang Bu Dơng - buôn trưởng ưu tú của dân làng.

Sinh ra và lớn lên chứng kiến cảnh khó khăn của nhiều gia đình vì sinh đông con, ông Y KRang nghĩ rằng, để thoát được cái nghèo bà con cần ý thức được việc sinh đẻ có kế hoạch. Việc tuyên truyền cho bà con về vấn đề kế hoạch hóa gia đình gặp không ít khó khăn, vì quan niệm đẻ nhiều để có người phụ việc cho gia đình. Hàng năm, ông tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về chuyên môn và kỹ năng truyền thông dân số; phối hợp với các đoàn thể trong buôn thông qua các cuộc sinh hoạt của thanh niên, phụ nữ, nông dân... để lồng ghép tuyên truyền về dân số, sức khỏe, Luật Hôn nhân gia đình đến bà con trong buôn. Tuy chưa chấm dứt tình trạng sinh con thứ 3, nhưng 5 năm trở lại đây tỷ lệ này đã giảm rất nhiều. 

Bản thân ông và gia đình cũng luôn tích cực noi theo và đi đầu trong các hoạt động làm gương cho bà con. Từ một hộ nghèo nhưng nhờ sự cần cù, ham học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay ông có 2 ha lúa nước, bắp thu hoạch 6 tấn/vụ, ngoài ra ông còn chăn nuôi thêm heo và gia cầm theo hướng gia trại.

 Chính nhờ tinh thần trách nhiệm, hết lòng với công việc của buôn trưởng đã đưa buôn Rjai từ một buôn nghèo của xã Nam Ka với 100% hộ nghèo, đến nay chỉ còn 50% hộ thuộc diện nghèo, không còn hộ đói. Với đóng góp của mình, ông Y KRang Bu Dơng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.

                  Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.