Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ Tày say mê đàn tính, hát Then

08:46, 21/05/2017

Từ lâu, tiếng đàn tính và điệu hát Then của người dân tộc Tày (Cao Bằng) đã không còn xa lạ với người dân xã Ea Pil (huyện M’Đrắk). Người góp phần mang nét văn hóa đặc sắc của người Tày đến với vùng đất Ea Pil là chị Trương Thị Huyên (thôn 12, xã Ea Pil).

Chị Huyên là người Tày, quê ở xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng; vào lập nghiệp tại thôn 12, xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) từ năm 1997. Chị Huyên học đánh đàn tính khi mới 8 tuổi từ những người già, anh chị cùng quê và niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng “ngấm” từ đó. Khi đến quê hương mới, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải bươn chải lo cho cuộc sống hằng ngày nhưng niềm đam mê đàn tính, hát Then vẫn âm ỉ trong chị. Năm 1999, khi cuộc sống bớt khó khăn, ao ước được nghe tiếng đàn tính và làn điệu hát Then cháy bỏng trong lòng, chị Huyên đã tự mày mò chế tạo ra chiếc đàn tính từ những vật liệu như quả bầu già, cần gỗ... Làm được đàn, chị lại hăng say luyện tập lại những làn điệu hát Then cơ bản và những làn điệu kèm sáo trúc như hát Phong sư, làn điệu lượn nàng ới… Chị còn tự đặt lời mới cho một số làn điệu như: Ea Pil đổi mới, ơn Đảng ơn Bác Hồ…

Chị Trương Thị Huyên (thứ 2 từ phải sang) biểu diễn đàn tính.
Chị Trương Thị Huyên (thứ 2 từ phải sang) biểu diễn đàn tính.

Để lưu giữ tiếng đàn tính, điệu hát Then trên đất Tây Nguyên, chị Huyên đã tập trung những chị em yêu thích học đàn để truyền dạy. Đến nay, nhiều chị em trong xã đã sử dụng thành thạo chiếc đàn tính, hát được nhiều làn điệu Then. Nhờ chăm chỉ tập luyện, đội hát Then của chị Huyên không những phục vụ bà con trong thôn, trong xã mà còn thường xuyên đi biểu diễn ở các địa phương khác trong huyện.

Không chỉ hát giỏi, đàn hay, chị Huyên còn là điển hình trong phát triển kinh tế ở Ea Pil. Gia đình chị có gần 3 ha đất sản xuất trồng mía, nhãn hương chi và đào ao thả cá với thu nhập 50 triệu đồng/năm. Chị Huyên còn tích cực tham gia công tác xã hội với vai trò là tổ trưởng tổ vay vốn, chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dân số trong thôn. Với công việc nào, chị Huyên cũng nhiệt tình với công việc, được bà con, chị em phụ nữ quý mến, tin yêu.            

Mỹ Sự - Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.