Multimedia Đọc Báo in

Nhịp cầu của những tấm lòng

08:27, 12/05/2017

Được thành lập từ tháng 8-2015, nhóm thiện nguyện “Nhịp cầu yêu thương” (huyện Krông Năng) đã trở thành cầu nối giữa các mạnh thường quân với trẻ em nghèo, hộ gia đình khó khăn, những mảnh đời bất hạnh.

Chị Dương Thị Tuyết (31 tuổi, trưởng nhóm) cho biết, nhóm có 10 thành viên chính thức, mỗi người làm một công việc khác nhau, nhiều người đã lập gia đình nhưng đều có chung ngọn lửa đam mê công việc thiện nguyện. Dựa vào sức mạnh của các trang mạng xã hội: facebook, zalo… nhóm đã đứng ra vận động sự đóng góp từ các nhà hảo tâm để gây quỹ và nhận được những tín hiệu hết sức khả quan. Đơn cử như trường hợp kêu gọi ủng hộ cho gia đình cô Hoàng Thị Hòa (thôn 11, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chồng mắc bệnh hiểm nghèo mất sớm, hai người con trai bị tai nạn chấn thương nghiêm trọng khiến cô phải bán hết đất mà vẫn không đủ tiền chạy chữa. Chỉ sau 3 ngày nhóm đứng ra kêu gọi, số tiền ủng hộ của các mạnh thường quân đã lên tới 14 triệu đồng, được nhóm kịp thời chuyển đến tay cô Hoà để tiếp tục điều trị cho con. Song song với việc kêu gọi đóng góp, nhóm cũng đã lập ra danh sách các hộ nghèo, những trường hợp cần giúp đỡ (trước mắt là ở địa bàn huyện Krông Năng) để lên kế hoạch hoạt động theo từng đợt. Bên cạnh đó, các thành viên của nhóm cũng tích cực tham gia bằng những việc làm cụ thể: bán heo đất gây quỹ, giúp đỡ sửa nhà, trồng cây, làm chuồng trại, sơn sửa xe đạp, thu gom áo ấm cũ…

Tặng vở cho các em học sinh nghèo trong chương trình “Niềm vui cho em”.
Tặng vở cho các em học sinh nghèo trong chương trình “Niềm vui cho em”.

Từ khi thành lập, nhóm đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa: Trung thu cho em, Niềm vui cho em, Xuân ấm áp – Tết trọn yêu thương… Nhiều dự án thiết thực ở xã Ea Dah (Krông Năng) như: Dự án “Đất xanh” (hỗ trợ giống và trồng chanh dây trên 1.500 m2 đất cho gia đình anh Vi Văn Nụ có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Giang Đông); dự án “Đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời” (lắp đặt đèn chiếu sáng cho các em nhỏ tại khu lưu trú 135 tại thôn Giang Đông); dự án “Xe đạp yêu thương” (trao 11 chiếc xe đạp cho các em học sinh trường THCS Chu Văn An)… Trải qua hơn một năm hoạt động, nhóm đã trao 1.650 phần quà đến tay các em nhỏ vùng xa, vận động được hơn 110 triệu đồng từ các mạnh thường quân để thực hiện các chương trình, dự án nhằm giúp đỡ những trẻ em nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

Chia sẻ về kế hoạch hoạt động sắp tới của nhóm, chị Tuyết cho biết, bên cạnh các chương trình thiện nguyện thường niên, nhóm hướng tới kêu gọi đóng góp nhằm xây dựng một quỹ học bổng để kịp thời giúp đỡ những em học sinh nghèo; đối với những hộ gia đình khó khăn, nhóm kêu gọi hỗ trợ tiền để giải quyết khó khăn trước mắt, sau đó giúp đỡ các hộ làm kinh tế (như hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi) để họ có thể phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.  

Nguyễn Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.