Những thương, bệnh binh vượt khó làm giàu
Trở về đời thường sau chiến tranh, phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng những thương, bệnh binh ấy đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục vươn lên, góp sức xây dựng quê hương.
Cách đây 49 năm, ông Lê Văn Thuần (hiện ở buôn Ea Mta, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) với sức trẻ căng tràn và nhiệt huyết đã tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Gần 10 năm cống hiến tuổi xuân cho đất nước, ông trở về đời thường, mang trong mình thương tật, suy giảm 43% sức khỏe.
Khi mới về lập nghiệp tại xã Ea Bhốk, ông Thuần vừa ươm và bán cây chè giống; vừa đạp xe đi khắp nơi mua các loại thực phẩm cho vợ đem ra chợ bán. Cứ vậy, vợ chồng ông “đồng cam cộng khổ”, tích lũy vốn mua được 6 ha đất trồng hoa màu, cà phê. Khi những tháng ngày cơ cực nhất đã qua, cuộc sống dần vơi bớt khó khăn nhưng thật không may, năm 2006, vợ ông bị bệnh nặng qua đời, mọi gánh nặng gia đình và chăm lo cho 2 con ăn học dồn cả lên vai ông. Lúc ấy, ông Thuần đành bán bớt 5 ha đất, chỉ giữ lại 1 ha cà phê.
Qua tham khảo các mô hình đa cây, ông Thuần đã phá bỏ 4 sào cà phê chuyển sang trồng cau và hòe làm trụ sống để trồng tiêu. Đến nay, các loại cây trồng trong vườn nhà ông đều đã cho thu hoạch với tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, những lúc nông nhàn, ông Thuần dành thời gian chạm trổ, điêu khắc tượng gỗ, vừa thỏa niềm đam mê và kiếm thêm thu nhập.
Thương binh Lê Văn Thuần (bên trái) giới thiệu các tác phẩm điêu khắc gỗ với cán bộ, hội viên người cao tuổi. |
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Sau 15 năm làm Chi hội trưởng nông dân, Bí thư Chi bộ buôn, hiện ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi buôn Ea Mta. Để giúp hội viên vươn lên, ông đã huy động đóng góp xây dựng quỹ được 52 triệu đồng cho hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế; tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tự nguyện đóng góp ngày công, giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn…
Năm 1971, ông Nguyễn Đức Vĩnh (hiện ở tổ dân phố 7, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) tình nguyện nhập ngũ và được bổ sung cho mặt trận Trường Sơn thuộc Đoàn 559, Sư đoàn 471. Trong thời gian tại ngũ, ông gặp và kết duyên với nữ quân y Trịnh Thị Luyến. Sau khi xuất ngũ năm 1989, bệnh binh Nguyễn Đức Vĩnh đưa cả gia đình vào sinh sống, lập nghiệp tại huyện Krông Búk (nay là thị xã Buôn Hồ).
Mô hình đa cây đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bệnh binh Nguyễn Đức Vĩnh. |
Lúc ấy, tài sản của vợ chồng ông không có gì ngoài đức tính cần cù, chăm chỉ và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ. Sẵn có nghề y, vợ ông chữa bệnh miễn phí cho người dân trong vùng, đổi lại họ bỏ công lao động giúp gia đình ông khai khẩn đất hoang, trồng tỉa hoa màu. Để phát triển kinh tế bền vững, ông Vĩnh đã đi tham quan, học tập một số mô hình trồng trọt trong tỉnh và quy hoạch lại 3 ha đất của gia đình. Không chỉ trồng cà phê, vợ chồng ông còn trồng xen 150 cây sầu riêng và 100 cây bơ vừa làm cây che bóng, vừa tăng thu nhập; đồng thời trồng rau xanh và chăn nuôi gà, vịt cải thiện bữa ăn hằng ngày. Nhận thấy cây tiêu có giá trị kinh tế cao, năm 2011, ông Vĩnh phá bỏ bớt số diện tích cà phê cằn cỗi để trồng 900 gốc tiêu. Hiện nay, trang trại đa cây của gia đình ông đem lại nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Ông Vĩnh còn sẵn lòng giúp vốn, truyền đạt kinh nghiệm cho nông dân, cựu chiến binh trong vùng cùng làm ăn, phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Có thể nói, thương binh Lê Văn Thuần và bệnh binh Nguyễn Đức Vĩnh chỉ là 2 trong số hàng nghìn cựu chiến binh đã và đang nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Họ xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ đối với những thương binh, bệnh binh “tàn nhưng không phế” và là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc