Chuyện về một "người ngoại đạo" của làng báo
Là một cán bộ công tác tại Ngân hàng NN-PTNT, nhưng với đam mê của mình, anh Phan Quốc Lương thường xuyên có những tác phẩm báo chí để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề Sư phạm, bản thân anh cũng là dân khối C, từng cầm trong tay giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Vinh, với 18,5 điểm, thời đó là của hiếm. Cánh cửa Khoa Văn của trường sẵn sàng mở rộng đón anh, nhưng có lẽ cơ duyên với nghề Ngân hàng đã làm anh quyết định rẽ sang lối khác.
Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán Ngân hàng từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, một nghề vốn khô khan, cứng nhắc “đầu đội sổ sách, vai mang chứng từ” này chẳng liên quan gì đến viết lách, văn chương thơ phú, thế nhưng, với một chút lãng mạn, anh đã gắn bó với công việc viết lách như một cách để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Anh tâm sự, thời mới ra trường, khi cơ chế thị trường chưa định hình, nền kinh tế cả nước nói chung rất khó khăn, cán bộ ngân hàng cũng như các ngành nghề khác ngoài công việc chuyên môn còn phải đi tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Đã vậy, bọn phản động Fulro vẫn âm mưu phá hoại, nhiều lần xe chuyển tiền từ tỉnh về huyện bị chúng bắn cháy, nhờ có thùng điều chuyển hàng đặc biệt nên tiền không bị cháy... Lúc bấy giờ anh đang công tác ở vùng giáp ranh Campuchia, cùng với cán bộ, công nhân viên nhiều ban ngành khác còn phải đi lao động dọn chông mìn, dây kẽm gai do bọn Khmer đỏ lén lút rải ở biên giới… Khó khăn là vậy, nếu không có sự lạc quan, yêu đời thì anh cũng đã bỏ việc về quê như nhiều bạn bè đồng nghiệp cùng trang lứa. Anh đã biến những khó khăn, gian khổ đó thành những vần thơ để nhẹ nhàng vượt qua tất cả.
Anh Phan Quốc Lương trong một lần tác nghiệp tại huyện Krông Pắc. |
Dù làm ngân hàng, nhưng có lẽ “cái máu” của dân khối C đã ngấm vào anh. Anh kể, khi đất nước đổi mới, nhiều chính sách mới ra đời, nhiều kênh tín dụng được khơi thông để phục vụ cho nền kinh tế… Và để chuyển tải thông tin, chính sách mới đến với công chúng, khách hàng, anh bắt đầu “đăng đàn” với những tin, bài phản ánh về cái hay, cái mới của chính sách phát triển kinh tế nói chung, với nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Khi thì gửi cho Đài phát thanh tỉnh, Báo Nông nghiệp Việt Nam, khi thì gửi đăng trên trang thông tin nội bộ ngành... Mãi sau này khi trở thành cộng tác viên của một số báo như Báo Đắk Lắk, Thời Báo Ngân Hàng, Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin Agribank… thì anh viết đều và chắc tay hơn.
Phải kể đến những bài như “Agribank Chi nhánh Hòa Thuận, hướng đầu tư vào cây ăn quả” (2002); “Agribank đi tìm người bạn đồng hành” (2004); “Cho vay tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhìn từ phía ngân hàng” (2015); “Dấu ấn tái cơ cấu” (2016)… Rồi anh đưa tôi xem 6 tập tài liệu có trang bìa “Tổng hợp những tin, bài được in từ 2011 về trước và những năm sau này, tôi mới thực sự ngưỡng mộ sức viết của anh. Năm 2011: 27 tin, bài; năm 2012: 29 tin, bài; năm 2013: 32 tin, bài; năm 2014, 2015 năm nào cũng trên 30 tin, bài và năm 2016 vừa qua anh đạt số lượng với 34 tin, bài.
Là nhà báo chuyên nghiệp để có được chừng đó “sản phẩm” cũng đã thấm mệt, nói gì đến một cộng tác viên, một người “ngoại đạo”, vì thế càng trân trọng sức lao động, sự đam mê của anh với nghề làm báo vốn khó khăn, vất vả. Quả thực, như anh chia sẻ, để có được những tác phẩm báo chí đó, anh lao động không khác những người làm báo chuyên nghiệp là mấy, ban ngày đi thu thập thông tin, ghi hình, nắm bắt sự kiện; đêm về cần mẫn viết bài gửi đến tòa soạn. Bài gửi đi rồi chờ xem có được đăng không, phản ứng xã hội thế nào…
Có lần trong một cuộc vui, nhà báo Dương Thế Hoàn đã giới thiệu anh với các phóng viên, đây là “nhà báo của Ngân hàng” vì những tin, bài của anh về Tài chính, Ngân hàng khá sâu và chắc nhờ anh có trình độ chuyên môn vững vàng, được đào tạo bài bản trong trường Ngân hàng. Theo anh, được nói, được nghĩ, được viết, được thể hiện, đó là một thứ vinh quang riêng của những người làm báo. Và chính vinh quang ấy là một động lực giúp anh Phan Quốc Lương ngày càng viết nhiều hơn, hay hơn, đam mê hơn; dẫu biết rằng, trong làng báo anh chỉ là người “ngoại đạo”.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc