Để chương trình hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ phát huy hiệu quả
Ngày 8-1-2015, UBND tỉnh có Quyết định số 39/QĐ-UBND về việc thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2015 – 2020, nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào làm hồ sơ để nhận hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Theo Quyết định, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, giải pháp đã được nhà nước cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ (từ ngày 8-1-2015) sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí theo từng mức độ. Trong đó, đối với nhãn hiệu, mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ duy nhất một lần với số tiền 1 triệu đồng; với các sáng chế, giải pháp hữu ích, mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ nhiều lần nếu có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ, mỗi sáng chế, giải pháp hữu ích đã bảo hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng; với giống cây trồng, mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ nhiều lần nếu có nhiều giống cây trồng được bảo hộ, mỗi giống cây trồng được bảo hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng… và cao nhất là Chỉ dẫn địa lý sẽ được hỗ trợ lên đến 700 triệu đồng.
Sản phẩm nhang, trầm của cơ sở Đạt Thành đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. |
Mặc dù Quyết định đã có hiệu lực hơn 2 năm nhưng vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào được nhận hỗ trợ. Trong khi đó, năm 2015 và 2016 trên địa bàn tỉnh có đến 181 nhãn hiệu hàng hóa và 2 kiểu dáng công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Qua tìm hiểu nguyên nhân, được biết hầu hết các doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh đã được cấp văn bằng bảo hộ đều không biết đến chương trình hỗ trợ này.
Đơn cử như đối với hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nhang, trầm Đạt Thành của ông Lê Trường Sinh (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), hiện cơ sở của ông đã có 9/23 sản phẩm nhang, trầm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nhưng đến nay ông không hề biết đến Quyết định 39 của UBND tỉnh. Hay cả với doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Sản xuất thương mại – dịch vụ - xuất nhập khẩu Đăng Phong (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cũng không biết đến chương trình hỗ trợ này, trong khi đó từ năm 2015 đến nay Công ty đã có nhiều sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Bình Tuy, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Theo quy trình, việc đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ được các chủ sở hữu gửi trực tiếp lên Cục Sở hữu trí tuệ, do đó, mọi thông tin cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ địa phương không nắm được, mà chỉ có số liệu cơ sở được cấp văn bằng hằng năm. Chính vì thế, Quyết định 39 chỉ mới được thông báo đến các ban, ngành hữu quan và địa phương, còn các tổ chức, cá nhân đã được cấp văn bằng vẫn chưa được nhận hỗ trợ vì không biết đến chương trình”. Được biết, trước khi có chương trình hỗ trợ này, năm 2010 Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho huyện Ea Kar thực hiện việc đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể bò thịt Ea Kar; năm 2014 hỗ trợ huyện Cư Kuin 150 triệu đồng đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận hồ tiêu Cư Kuin…
Trước thực trạng này, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ đến địa phương để kịp thời nắm bắt thông tin, quản lý. Bên cạnh đó, để chương trình này nói riêng và các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ nói chung đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, thiết nghĩ các ban, ngành hữu quan và địa phương cần phối hợp tuyên truyền sâu rộng qua nhiều kênh sao cho chủ sở hữu tiếp cận được thông tin.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc