Gánh nặng với người không có bảo hiểm y tế
Việc áp dụng giá mới của hơn 1.900 dịch vụ y tế với mức tăng từ 10-200% đối với người không có bảo hiểm y tế (BHYT) đã bắt đầu triển khai từ 1-6 tại một số địa phương và bao phủ toàn quốc vào tháng 12 năm nay. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của người không có BHYT khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
“Nghèo hóa” vì không có BHYT
Hơn 20 ngày đi chăm sóc con trai bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà H’Ren Kbuôr (ở buôn Cam Rưng, xã Hòa An, huyện Krông Pắc) như “ngồi trên đống lửa”. Bà H’Ren bộc bạch: “Con tôi không có BHYT nên toàn bộ viện phí đều do gia đình tự chi trả. Cảnh nhà khó khăn, để chi trả khoản viện phí gần 20 triệu đồng của cháu những ngày qua, tôi phải đi vay nặng lãi. Nghe bác sĩ nói bệnh tình của cháu còn phải điều trị lâu dài, tôi lo lắm vì chưa biết lấy đâu ra tiền để nộp viện phí cho con trong những ngày sắp tới”.
Hoàn cảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa (ở thôn 12, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cũng éo le không kém. Ngày 9-5-2017, chồng chị bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy hở xương đùi phải và phải phẫu thuật nhiều lần. Vì chưa tham gia BHYT nên khoản tiền viện phí 35 triệu đồng khiến gia đình chị Hòa lao đao. Chị tâm sự: “Vì muốn tiết kiệm tiền để nuôi 5 con ăn học, vợ chồng tôi không mua BHYT. Nào ngờ, bây giờ gặp chuyện không may, gia cảnh vốn đã khốn khó giờ thêm kiệt quệ. Tới đây, chồng tôi còn phải phẫu thuật chân thêm 2 lần nữa mà tôi vẫn chưa biết xoay xở vào đâu.
Con trai bà H’Ren bị chấn thương sọ não đang điều trị tại khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Võ Minh Thành cho biết, nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện không có thẻ BHYT và phải chi trả 100% chi phí điều trị. Một số trường hợp bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động với thương tích nặng, chi phí điều trị lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Với những bệnh nhân không có BHYT, nhiều lúc bệnh viện rất khó xử khi phải dựa vào khả năng chi trả của người bệnh để cho thuốc phù hợp hoặc bệnh nhân chưa khỏi hẳn đã xin xuất viện vì không có tiền.
Để viện phí không còn là gánh nặng
Theo một lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, để viện phí không còn là gánh nặng, người dân nên tham gia BHYT, nhất là khi khung giá mới quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế được áp dụng. Hiện nay, khoảng 95% dịch vụ y tế đã được BHYT chi trả, do đó người bệnh sẽ được hưởng lợi từ chính sách BHYT khi đi khám chữa bệnh, đặc biệt là với nhóm bệnh nặng, chi phí cao. Theo lộ trình, khung giá mới bắt đầu được áp dụng từ 1-6 tại một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh đã tự chủ về tài chính và dự kiến đến hết tháng 12-2017 sẽ bao phủ toàn quốc.
Đến thời điểm này, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh là gần 77,7% dân số, số chưa tham gia chủ yếu thuộc nhóm BHYT tự nguyện. Việc tăng giá các dịch vụ y tế đối với người không có BHYT nhằm tác động đến ý thức và thúc đẩy người dân tham gia BHYT. Thiết nghĩ, để người dân mặn mà với BHYT, nhất là đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, bên cạnh việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHYT, có chính sách phù hợp để hỗ trợ nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và khả năng cung cấp dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh…
Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế, khoảng 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh về giá với việc tích hợp thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế. Nhiều dịch vụ y tế có mức giá tăng từ 10 - 200% so với giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100% nếu không có BHYT. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc