Hào hứng với thư viện thân thiện
Mới đi vào hoạt động được một năm học nhưng mô hình thư viện thân thiện do tổ chức Room to Read (tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ) tài trợ đã trở thành “điểm nhấn” trong chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đem đến niềm vui, sự hào hứng cho thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, thư viện của Trường Tiểu học Lê Lợi (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) thường rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ do phòng đọc và kho lưu trữ sách bố trí chung một chỗ rất chật chội; số đầu sách không nhiều nên không hấp dẫn học sinh. Giữa năm 2016, trường được Sở GD-ĐT chọn để tổ chức Room to Read tài trợ thực hiện mô hình thư viện thân thiện. Nhờ được trang trí đẹp mắt, thoáng mát với các góc viết vẽ, góc trò chơi, góc tra cứu… phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học, nên mỗi ngày có hàng trăm học sinh đến thư viện đọc sách và mượn sách về nhà.
Tiết đọc thư viện của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thị xã Buôn Hồ). |
Đến với thư viện thân thiện, học sinh không chỉ được đọc sách, truyện yêu thích mà còn được vui chơi, được thể hiện năng khiếu của mình. Em Nguyễn Hà Linh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M’gar) nói: “Đến thư viện em có thể tự do lựa chọn những cuốn sách mà mình yêu thích. Thích nhất là thấy tranh do mình vẽ được treo trên góc sản phẩm của em”. Còn cô Phan Thị Vân, nhân viên thư viện nhà trường cho hay, trường có 714 học sinh, nên việc vận hành, quản lý thư viện vất vả hơn so với trước. Nhưng nhìn những ánh mắt vui tươi, háo hức của các em mỗi khi đến tiết đọc thư viện, mọi mệt mỏi không còn nữa”.
Thầy giáo Phạm Văn Ruẩn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) là một trong số những người “ngần ngại” tiếp nhận sự tài trợ của tổ chức Room to Read do chưa hình dung việc thiết lập, vận hành thư viện thân thiện như thế nào. Nhưng sau khi “mục sở thị” thư viện thân thiện của một vài trường tiểu học ở huyện Krông Ana, thị xã Buôn Hồ, thầy Ruẩn đã quyết tâm xây dựng mô hình này để phục vụ học sinh. Ngoài số tiền 90 triệu đồng do tổ chức Room to Read tài trợ để sửa chữa mái, đóng lại trần nhà thư viện, thầy Ruẩn tích cực vận động phụ huynh tự nguyện đóng góp 38 triệu đồng và nhiều ngày công để làm nền nhà, trang trí thư viện của trường mình.
Chương trình hợp tác xây dựng thư viện thân thiện kéo dài trong 3 năm; các trường tiểu học tham gia dự án sẽ được Room to Read tổ chức tập huấn nghiệp vụ, mỗi năm bổ sung cho các thư viện từ 600-700 đầu sách và cải tạo một số hạng mục cơ sở vật chất thư viện |
Còn khá sớm để đánh giá hiệu quả của mô hình thư viện trường học thân thiện, tuy nhiên theo nhận xét của một số trường tiểu học được thụ hưởng dự án năm học 2016-2017 thì học sinh rất hào hứng đến thư viện đọc và mượn sách về nhà. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi quý có từ 45.000 đến 60.000 lượt học sinh mượn sách về nhà đọc. “Nhờ đọc sách nên kỹ năng tiếng Việt của các em tốt hơn. Tỷ lệ học sinh đọc diễn cảm tăng đáng kể; chữ viết rõ ràng, chuẩn chính tả hơn trước”, thầy Ruẩn nhận xét. Còn cô giáo Phạm Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M’gar) cho biết, tham gia dự án, ngoài việc được tổ chức Room to Read tài trợ nhiều vật phẩm phục vụ việc đọc và mượn sách của học sinh, cán bộ quản lý, nhân viên thư viện và giáo viên các trường còn được hỗ trợ kỹ thuật thiết lập hồ sơ, quản lý thư viện, quy trình tiết đọc thư viện, cách chọn mã màu, quy trình mượn trả sách.
Thấy rõ tác dụng của mô hình thư viện trường học thân thiện đem lại cho học sinh và nhà trường, năm học 2017-2018, có 25 trường tiểu học ở các huyện Krông Pắc, Krông Búk, Cư Kuin và Krông Bông đã mạnh dạn tiếp nhận sự hỗ trợ của tổ chức Room to Read để xây dựng mô hình này.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc