Kỷ niệm bài báo đầu đời
Từ khi còn là học sinh THPT, tôi đã thích nghề báo và quyết định theo học nghề này dù chưa có ý niệm gì về nó và cũng có nhiều người khuyên can.
Bước vào giảng đường đại học, hình ảnh nghề báo, nhà báo càng trở nên lung linh trong mắt sinh viên như tôi. Từ năm học thứ hai, vừa học lý thuyết ở trường, chúng tôi cũng bắt đầu tập tành viết báo. Bắt đầu là những mẩu tin gửi cho những chuyên mục nhỏ trên các báo: Nhịp đời qua ống kính, Ống kính phóng viên, Bạn đọc viết… Dần dần, tôi thử sức bằng việc viết bài với những đề tài nhỏ về đời sống xã hội mà mình phát hiện ra trong những chuyến đi chơi.
Tôi còn nhớ bài báo đầu tiên mình viết là câu chuyện về việc học của những em nhỏ tại xóm Vạn đò Cồn Hến, nằm trên sông Hương, thuộc phường Vỹ Dạ, TP. Huế. Do hoàn cảnh khó khăn, hầu hết các em ở đây đều không được đến trường mà ở nhà theo ba mẹ đi thả lưới hay lên bờ đánh giày, rửa chén bát thuê phụ giúp gia đình. Để có tư liệu, thông tin, tôi đi cùng mấy bạn sinh viên đang dạy tình nguyện ở đây vào “lớp học” tiếp xúc, trò chuyện và chụp ảnh các em. Sau đó, phải năn nỉ mãi, tôi mới gặp được ông xóm trưởng để hỏi về tình hình chung của xóm vạn đò và chuyện học của các em nhỏ. Về nhà, mở sổ tay ra xem thì thấy còn thiếu nhiều thông tin cần thiết, tôi phải đạp xe về lại Cồn Hến, lên đò nói chuyện với những em có gia cảnh khó khăn nhất. Hình ảnh những đứa trẻ khát chữ sống lênh đênh trên dòng sông thơ mộng mà tương lai chưa biết về đâu càng làm tôi cố gắng hoàn thành bài viết. Mỗi khi nghĩ ra câu từ hay ý tứ gì hay, tôi ghi vào sổ rồi sắp xếp lại để hình thành đề cương của bài. Loay hoay khoảng một tuần, tôi mới viết được các ý chính dài một trang rưỡi sổ giấy kẻ ngang rồi ra tiệm Internet đánh máy. Sau khi hoàn thành và gửi cộng tác, điều khiến tôi vui nhất là đã tự viết được “bài báo” và chờ đợi phản hồi, góp ý của tòa soạn để học nghề.
Liên tục mấy ngày tôi chạy ra tiệm Internet kiểm tra email nhưng cuối cùng chỉ nhận được thư trả lợi tự động của tòa soạn là đã nhận được bài. Muốn theo dõi bài có được đăng trên báo cũng khó vì tờ báo này lúc đó chưa có báo điện tử và báo in không phát hành ở Huế. Sau đó, bài “Tròng trành con chữ trên sông Hương” được đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại vào ngày 25-4-2006 và tôi cũng chỉ biết khi tờ báo biếu gửi về hòm thư của khoa. Dù câu chữ được tòa soạn biên tập lại khá nhiều, nhưng bài báo đầu đời cũng khiến tôi sướng rơn, đem cho bạn bè đọc và gọi điện khoe với gia đình. Tôi nhận được 120.000 đồng tiền nhuận bút, đủ mời mấy đứa bạn một bữa nhậu ra trò theo kiểu sinh viên. Vui hơn là nhận được động viên của nhiều người, tôi cảm thấy tự tin hơn vào lựa chọn của mình khi theo học nghề báo. Tờ báo được tôi giữ làm kỷ niệm, nhưng sau đó bị mất do nước lũ ngập phòng trọ khiến tối cứ tiếc mãi.
Sau khi ra trường, dù tham gia cộng tác cho một số tờ báo và sau này trở thành phóng viên chính thức của tòa soạn, được phân công viết bài lĩnh vực kinh tế, nhưng tôi vẫn nhớ về bài báo đầu đời trên giảng đường đại học như một hành trang giúp tôi bước vào nghề báo, cái nghề cao quý, được nhiều người gọi là thư ký của thời đại.
Anh Sơn
Ý kiến bạn đọc