Nguồn tin từ những cuộc gọi
Vào đầu tháng 3 năm nay, khi nhận được thông tin từ một số điện thoại lạ, tôi vội vàng nhấc máy lên, đầu dây bên kia là một giọng nam “đặc” tiếng Nghệ An: “A lô! Có phải cô là phóng viên Báo Đắk Lắk không?”
Sau đó ông giới thiệu tên, tuổi, địa chỉ, rồi trình bày những bức xúc của ông và người dân địa phương về chất lượng một công trình giao thông nơi ông đang sinh sống. Tôi hẹn gặp ông vào một ngày gần nhất và không quên dặn ông lưu lại số điện thoại của mình để tiện liên lạc.
Sau đó 2 ngày tôi về xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) – nơi có công trình (như ông đã phản ánh) để tìm hiểu sự việc. Quả thật, những bức xúc của người dân địa phương là không sai. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là hơn 1 km đường láng nhựa được nhà thầu thi công nham nhở, rãnh thoát nước 2 bên bị bịt kín bởi 1 lớp đất đá. Chưa kể, khoảng 20 mét đoạn đầu tuyến, do mặt đường bị rạn nứt, nhà thầu đào xới ngổn ngang đá dăm và để đó trong thời gian dài không chịu khắc phục. Qua quan sát thực tế tại công trình, tôi tiếp tục đến gặp chủ đầu tư để nắm rõ vấn đề hơn. Sau khi nguồn tư liệu đã đầy đủ, tôi viết bài và được quản lý phòng duyệt. Tuy nhiên, thời điểm viết bài trùng sự kiện Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột nên thông tin này tạm gác lại.
Trong thời gian này, người cung cấp thông tin thường xuyên liên lạc với tôi và hỏi bài viết đã đăng trên báo chưa, sao đến nay vẫn không thấy, tôi cũng đã giải thích cho ông hiểu. Sau nhiều cuộc điện thoại như thế, có lần ông gắt giọng lên với tôi rằng “Hay là doanh nghiệp đã gặp trước với cô rồi?”. Lúc đó, tôi thấy mình như bị xúc phạm, nhưng cũng phải mềm mỏng: “Bài cháu viết đã được duyệt, nhất định sẽ đăng, khi nào có cháu sẽ gửi chú mấy tờ báo”.
Lễ hội đua voi tại huyện Lắk năm 2017 đã thu hút các nhà báo trong và ngoài tỉnh. |
Ở một sự việc khác, cũng từ một cuộc điện thoại của một người dân xã Ea Bông (huyện Krông Ana), vào giữa tháng 5 năm nay phản ánh về một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện bất chấp lệnh cấm vẫn lén lút khai thác nguồn đất sét làm gạch. Biết là thông tin hay, nhưng trong thời gian này do bận việc cơ quan, có lúc lại đang đi công tác ở địa bàn khác nên tôi không thể xuống hiện trường để nắm bắt sự việc. Sau nhiều lần gọi điện không thấy phóng viên xuống cơ sở, người dân lại gọi tôi giọng đầy trách móc: “Sao vụ việc “nóng” thế mà phóng viên không về tìm hiểu, hay gặp riêng doanh nghiệp rồi!”. Sau khi tôi giải thích rõ nguyên nhân, ông H. (người gọi tôi 7 cuộc điện thoại) đã xin lỗi, ông rất mong nhà báo về sớm để nói lên tiếng nói của người dân nên mới nặng lời như thế.
Đến trung tuần tháng 5, khi nhóm phóng viên về cánh đồng buôn Sah tác nghiệp, nhiều người dân nơi đây đã nhiệt tình dẫn chúng tôi ra từng vùng đất, cánh đồng bị các chủ lò gạch ngày đêm cho xe múc và chở đi một khối lượng lớn đất sét. Sau khi rời hiện trường, với đầy đủ thông tin, hình ảnh về hoạt động khai thác đất sét trái phép ở địa phương, tôi và các bạn đồng nghiệp chào người dân ra về, ông H. không quên nói lại lời xin lỗi vì đã lỡ nặng lời với tôi trước đó…
Nghề báo là thế, nguồn tin không chỉ ở cơ quan chức năng, không ít nguồn tin “nóng” phóng viên nhận được từ những người dân chân lấm tay bùn – đó là những phản ánh về cuộc sống thường ngày, có thể là những gương cá nhân, tổ chức điển hình tiên tiến, cũng có thể là những bức xúc về mặt trái của xã hội… Với tôi, khi nhận được cuộc gọi từ bất cứ người dân nào đều là niềm vui, bởi đó không đơn thuần chỉ là nguồn tin cho bài viết của mình, mà vui hơn, đó là niềm tin mà người dân đã gửi gắm nơi phóng viên và tờ báo mình đang công tác.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc