Phía sau những con chữ...
Với nhà báo phía sau những con chữ trên mặt báo là bao nhọc nhằn, vất vả, suy tư, trăn trở; là cả những thử thách, cám dỗ... mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.
Còn nhớ có lần tôi cùng đồng nghiệp trong lúc mưa bão hay tin ở cơ sở bị thiệt hại nặng nề đã vội vã lên đường bằng chiếc xe máy cà tàng. Vượt qua đoạn đường trơn trượt, lầy lội chúng tôi chứng kiến cảnh ngổn ngang, tan tác của cột điện gãy đổ, cây cầu đứt gãy, cây cối ngập úng... rồi nét mặt bần thần của thân nhân người bị nước cuốn trôi, sự cấp tập cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ bà con của lực lượng chức năng, của các ban, ngành. Khi ấy bài viết trên mặt báo chẳng thể nào diễn tả hết những thiệt hại đau lòng mà người cầm bút đã phải chứng kiến.
Phóng viên báo Đắk Lắk tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê lần thứ VI- năm 2017 |
Hay một lần khác chúng tôi đi gặp gỡ gia đình bệnh binh có tới 3 người con bị ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin. Nhìn những khuôn mặt ngây ngô, nụ cười khờ khạo của các em cùng nỗi niềm, sự vất vả của người cha, người mẹ mà chúng tôi không khỏi rưng rưng, nghẹn ngào. Chẳng ai bảo ai, mỗi phóng viên đều gửi biếu gia đình bệnh binh một ít tiền nhằm san sẻ đôi chút nhọc nhằn với họ trong cuộc sống. Và bài báo kể về những con người ấy được viết lên bằng tất cả sự thương cảm, xót xa, chia sẻ.
Đằng sau những con chữ còn là sự bất bình trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội: Đó là sự nhũng nhiễu, “hành là chính” của một bộ phận cán bộ công chức cơ sở; sự vô cảm, thờ ơ trước những việc cần được tương trợ, cứu giúp; sự tàn phá, khai thác tài nguyên trái phép của “lâm tặc”, “sa tặc”... Với thể tài này, phóng viên phải dũng cảm, khẳng khái, dám đối mặt với nguy hiểm. Bởi trên thực tế, không ít phóng viên đã bị dọa nạt, nhắn tin, “ra đòn” cảnh cáo, thậm chí phải nhập viện.
Cũng có những người làm báo – tạm gọi là “lều báo” theo như cách nói chữ của người trong nghề, vì mục đích tư lợi cá nhân, hoặc không vượt qua được những thử thách, cám dỗ đã đánh mất đạo đức nghề nghiệp, đánh mất lương tâm và tự đánh mất chính mình. Những “con sâu” ấy ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tòa báo, uy tín của nghề báo. Tuy nhiên đó chỉ là số ít, luôn bị người làm nghề chân chính và xã hội lên án, đồng thời cũng sẽ bị chính nghề báo đào thải.
Nghề báo có lắm nhọc nhằn, vinh quang, đôi khi cả những hiểm nguy và cũng đầy cám dỗ. Nếu không có lòng yêu nghề, sự dấn thân muốn tìm hiểu đến tận cùng sự việc thì khó có thể thành công như lời của một bậc cao niên trong làng báo đã từng chỉ bảo: “Nghề báo là một cuộc hành trình dài, trong đó hành trang mang theo là lòng can đảm, cái nhìn sắc sảo, sự trung thực cùng trái tim rung cảm...”.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc