Xâm hại tình dục trẻ em: Nỗi đau và trách nhiệm (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Trang bị kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình*
Để phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, mỗi gia đình cần chú trọng việc giáo dục giới tính, dạy cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức
Với vai trò là cơ quan chuyên trách, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Trẻ em, hỗ trợ phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua các hoạt động như xây dựng băng đĩa, cấp phát sổ tay, tờ rơi về kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em, bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp trẻ em, tổ chức nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng dân cư... Sở đã xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại 6 xã, 10 trường THCS trên địa bàn tỉnh và mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng tại 7 xã, phường, các câu lạc bộ: Bảo vệ trẻ em, Ông bà cháu; xây dựng đường dây nóng tư vấn miễn phí (05003.951.567); hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào hoạt động mạng lưới cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại 2.479 thôn, buôn, tổ dân phố.
Trẻ em tham gia Chương trình "Nói không với việc xâm hại tình dục trẻ em" năm 2017. |
Bên cạnh đó, các đơn vị như Công an tỉnh, các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương cũng đã chủ động tổ chức tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền pháp luật, ý thức tố giác tội phạm, giáo dục giới tính, kỹ năng sống, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục… Các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động nắm tình hình, đối tượng, địa bàn trọng điểm, tập trung điều tra và xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Trăn trở trước thực trạng hiếp dâm trẻ em có xu hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em gái” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ Hội, góp phần cùng các cấp, ngành làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Đoàn thanh niên các cấp cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho cán bộ Đoàn cơ sở.
Giúp trẻ có kỹ năng tự bảo vệ mình
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song theo đánh giá của bà Tô Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, công tác tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em vẫn chưa thường xuyên, liên tục và chưa đến được đối tượng đích, nhất là phụ huynh, học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, gia đình vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc quan tâm, chăm sóc, hướng dẫn con em mình cách phòng tránh bị xâm hại, các trường hợp không được gần gũi, quan hệ, các hành vi phạm tội. Bản thân các em chưa được giáo dục giới tính, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình.
Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16-5-2017 về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Chỉ thị nêu rõ: các cấp, ngành, đơn vị chức năng tăng cường giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị xâm hại… |
Với mong muốn góp phần phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, thời gian qua, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề “Nói không với xâm hại tình dục trẻ em” cho trẻ em, vị thành niên. Trong dịp hè, Nhà văn hóa còn tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống “Phòng chống xâm hại” nhằm trang bị cho trẻ em một số kiến thức về giới tính và kỹ năng ứng phó để có thể tự bảo vệ mình.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc Nhà văn hoá Thanh thiếu nhi tỉnh - người trực tiếp giảng dạy các lớp phòng chống xâm hại cho rằng, để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, trách nhiệm rất lớn thuộc về gia đình trong việc quan tâm, chăm lo, giáo dục con cái. Cha mẹ có thể dạy trẻ em phòng tránh xâm hại tình dục từ khi còn nhỏ, biết cách phân biệt các bộ phận trên cơ thể, những khu vực không ai được động chạm vào khi chưa có sự đồng ý của trẻ, các hành vi được và không được làm, không nhận quà, sự giúp đỡ của người lạ, tránh xa những khu vực vắng vẻ… Điều quan trọng hơn, cha mẹ cần gần gũi trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ, khúc mắc của trẻ, tỉnh táo để nhận biết kẻ xâm hại và các dấu hiệu có nguy cơ khiến trẻ bị xâm hại.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc