Ấn tượng với sinh tố ca cao
Các loại hoa quả đều có thể làm sinh tố được, vấn đề là nguyên liệu chế biến có sạch hay không mà thôi. Yếu tố này đang là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay.
Nắm được tâm lý ấy, ông chủ vườn ca cao hơn 1 ha – Mai Thanh San đã mạnh dạn chuyển đổi mục đích kinh doanh từ bán hạt sang chế biến sinh tố phục vụ khách hàng.
Vườn ca cao của anh San nằm phía sau quán cà phê Rêu Phong (111 Y Ngông, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột). Tuy quán không trưng ra bảng hiệu, nhưng lượng khách vào đây dùng sinh tố ca cao khá thường xuyên, bình quân từ 30 - 40 người/ngày, chủ yếu là khách du lịch từ nơi khác đến. Hỏi ra mới biết, phương thức kinh doanh của anh là kết nối với các hãng lữ hành trên địa bàn Đắk Lắk để đưa khách đến theo tour, trong đó có nội dung ẩm thực với lời mời chào đơn giản: “Ca cao sạch, được chế biến tại vườn”. Thế mà rất hấp dẫn du khách và số người tìm đến địa chỉ này ngày càng nhiều, nhất là vào mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau). Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng giám đốc Công ty Thương mại – Du lịch Đam San cho rằng, điểm đến vườn ca cao sạch này đang được các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh kết nối và từng bước hiện thực hóa ý tưởng du lịch nông nghiệp – sinh thái khá thành công, ấn tượng trong lòng du khách. Hiện tại, sản phẩm du lịch này đang là bước khởi đầu, nhưng hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ, bài bản của cộng đồng doanh nghiệp với người nông dân như anh San thì tin chắc loại hình du lịch nông nghiệp – sinh thái ở đây sẽ tạo nên những gam màu tươi mới cho bức tranh du lịch Đắk Lắk.
Du khách thưởng thức sinh tố ca cao tại Vườn anh San. |
Anh San cũng rất tâm huyết với điều đó và cho biết sẽ cố gắng xây dựng thương hiệu ca cao sạch gắn với hoạt động du lịch tại địa chỉ trên. Vốn là dân kiến trúc sư, chàng trai ngoài 30 tuổi này dự định sẽ thiết kế lại mô hình “trải nghiệm với ca cao sạch” theo hướng gần gũi, thân thiện với môi trường tự nhiên hơn. Những lối đi nhỏ nhắn và xinh xắn được lát đá giúp du khách thăm thú, tìm hiểu sâu hơn về các loại ca cao có mặt trên thị trường, cùng những sản phẩm (thức uống, hàng lưu niệm) được chế biến từ ca cao đang được anh San bắt tay khởi động.
Từ 2,5 – 3 tấn quả tươi ca cao/niên vụ, không những được ông chủ khu vườn xinh đẹp kia biến thành thứ giải khát chất lượng, mà còn được đầu tư quy trình sản xuất hương liệu (men) ca cao dùng trong chế biến thực phẩm (bánh, mứt, nước uống…) giúp du khách đến đây có sự chọn lựa phong phú hơn. Nói như anh San, tìm cách đa dạng hóa một sản phẩm nông nghiệp – vốn là thế mạnh của Đắk Lắk nhằm phục vụ du lịch trong chuỗi gia tăng giá trị của nó cũng là cách làm góp phần định vị và phát triển hơn ngành “công nghiệp không khói” ở địa phương.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc