Multimedia Đọc Báo in

"Du mục" trên đất Tây Nguyên

15:52, 02/07/2017

Họ chủ yếu là người dân tộc Khmer, quê ở miền Tây, nhà không có ruộng nương, thiếu việc làm nên cả gia đình, thậm chí cả ấp dắt díu nhau đi làm ăn xa. Ở đâu thu hoạch nông sản, cần nhiều nhân công thì họ có mặt...

Giữa cái nắng tháng 6 gay gắt, ở thôn 1, xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) có khoảng 70 người đang đợi xe đi Gia Lai với lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc, nào là quần áo, quạt, xoong nồi, thậm chí có cả chó, mèo. Họ là những người chặt mía thuê với cuộc sống “du mục” khắp nơi. Mùa thu hoạch mía ở M’Đrắk đã kết thúc nên họ “nhổ trại” đến với công việc mới ở vùng đất khác.

Bà Thạch Thị Tha (63 tuổi) chia sẻ: “Chúng tôi đều quê ở ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Quê nghèo, mất mùa liên tục không kiếm đâu ra việc làm nên rủ nhau đi tha hương tứ xứ. Hằng năm, cứ đến mùa thu hoạch mía ở M’Đrắk chúng tôi lại đến. Thu hoạch mía xong, chúng tôi lại qua Gia Lai nhặt chanh dây. Cuộc sống cứ nay đây mai đó…”. Người đàn ông gầy gò, da sạm đen ngồi bên cạnh bà Tha nói thêm: “Chúng tôi rời quê hương sống cuộc đời “du mục” đã 13 năm rồi. Ban đầu dắt díu nhau đi đông người lắm, nên khó kiếm việc làm, nhưng giờ có người giới thiệu việc làm nên cũng đỡ. Ngày công 200.000 đồng/người, ăn uống tự lo, còn trẻ em thì ít hơn”.

Khi hỏi họ sinh hoạt và ngủ ở đâu thì ai cũng phì cười chỉ xuống cái chiếu đang ngồi và cái bạt phía trước. “Khi chặt mía xong có bãi đất trống thì cắm cọc, kéo dây căng bạt che mưa nắng ở thôi. Mỗi nhà dựng lều riêng. Ngày nắng thì chịu được chứ mưa to thì nấp chỗ nào cũng bị mưa hắt. Có hôm gió to, bạt thốc lên, người và đồ đạc ướt hết”, ông Thạch Dung (65 tuổi) kể.

Vì chặt mía theo bãi nên hầu như ngày nào họ cũng di chuyển, cứ xong thôn này lại qua thôn khác. Cuộc sống “du mục” của họ cứ trải dài qua từng vùng đất.

 Nhiều  em còn trong độ tuổi  đi học  phải theo  cha mẹ  mưu sinh tứ xứ.
Nhiều em còn trong độ tuổi đi học phải theo cha mẹ mưu sinh tứ xứ.

Trong nhóm người ấy, tôi chú ý đến người mẹ trẻ đang bẻ từng miếng bánh cho con ăn. Đứa bé tầm 15 tháng tuổi, làn da đen nhẻm vì theo mẹ dãi nắng dầm sương. Người mẹ trẻ ấy cho biết mình tên Thạch Thị Nhanh (19 tuổi), lấy chồng năm 18 tuổi. Cả hai vợ chồng đều theo gia đình sống phiêu bạt từ nhỏ, đồng cảnh ngộ nên thương nhau. Khi về ở với nhau chỉ làm mâm cơm cùng mọi người ăn uống chúc mừng, chứ cũng không cưới xin gì cả. “Từ lúc con được 6 tháng em đã đưa con đi làm với mẹ. Nó ngoan lắm, rất ít khóc. Chắc biết mẹ cực nên không bao giờ quấy. Khi em đi chặt mía, con thức thì địu trên lưng làm cùng, khi nó ngủ thì căng bạt, trải chiếu đặt nằm một mình”.

Quan sát nhóm người “du mục” này, tôi thấy có nhiều đứa trẻ còn trong độ tuổi đi học nhưng phải theo bố mẹ vật lộn với mưu sinh. Cháu Nguyễn Cu Đen (14 tuổi) nói: “Cháu nghỉ học từ năm lớp 2, bố mẹ đi làm ăn xa nên đưa 3 anh em đi cùng. Ở đây bạn nào cũng không được đi học cả”. Ông Thạch Dung góp chuyện thêm: “Ở đây hầu như mấy đứa trẻ không biết chữ vì theo cha mẹ đi làm từ nhỏ. Không biết tương lai của tụi nhỏ này sẽ ra sao?”…

Dù làm ăn xa xứ cực nhọc nhưng nhắc đến quê hương thì ai cũng hồ hởi. “Cứ tháng 3 và tháng 8 âm lịch chúng tôi trở về thăm nhà, ăn Tết truyền thống của dân tộc mình. Đến ngày ấy, ai cũng vui cả, tiết kiệm cả năm để về quê sắm sửa, trang trí nhà cửa. Ở nhà tầm nửa tháng lại tiếp tục cảnh nay đây mai đó…” - ông Dung vừa ngắt lời thì xe đến. Mọi người hối hả di chuyển đồ đạc lên xe. Quen với công việc chân tay nên nhìn ai cũng rắn rỏi, khỏe mạnh. Bà Tha lớn tuổi nhất trong nhóm phụ nữ nhưng rất tháo vát, tay không ngừng sắp xếp, cột đồ đạc. Những chú chó, chú mèo lại lẽo đẽo theo chủ lên xe đi mưu sinh ở vùng đất khác…

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.