Tai nạn thương tích trẻ em tăng cao trong mùa hè
Mùa hè, đồng hành với việc trẻ em được nghỉ học, vui chơi thỏa thích, thì số trẻ bị tai nạn thương tích như ngã, tai nạn xe cộ, bỏng, đuối nước… cũng gia tăng.
Đang chăm sóc con trai 8 tuổi bị ngã gãy tay tại khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Tân Hà 4, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ vẫn không nguôi ân hận. Chị kể: Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện cho con đi chơi đây đó, nên nghỉ hè các con toàn ở nhà và tự chơi với nhau để bố mẹ đi làm. Cứ nghĩ con lớn rồi nên tôi cũng không quan tâm nhiều, cứ mặc cho bọn chúng muốn chơi gì thì chơi. Đến lúc con leo trèo bị ngã gãy tay, phải phẫu thuật bắt vít cố định chỗ gãy, tôi chỉ biết tự trách mình vô tâm.
Trường hợp của bé Mai Phạm Thanh Nhàn, 3 tuổi, ở buôn H’Đớt, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột cũng tương tự. Bố mẹ đi làm, Nhàn ở nhà chơi với chị gái, 2 chị em đùa giỡn, trèo lên cửa sổ chơi, không may bị ngã dẫn đến gãy tay phải phẫu thuật. Còn trường hợp của bé Y Thu Niê, 13 tuổi, ở buôn Suốt H’Luốt, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar lại còn kém may mắn hơn nhiều. Bố mẹ suốt ngày đi rẫy, nghỉ hè, Y Thu Niê và các chị em ở nhà tự chơi, tự chăm sóc lẫn nhau. Trong lần em và chị gái chở nhau đi mua đồ thì bị xe máy tông vào dẫn đến bị gãy chân. Thế nhưng khi vào viện, em lại không thể làm phẫu thuật ngay vì cơ thể ở trong tình trạng suy dinh dưỡng. Hiện em đã được cố định vết thương, chờ sức khỏe ổn định sẽ tiến hành phẫu thuật.
Bé Y Thu Niê đang được điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Những trường hợp bị tai nạn thương tích như trên không phải là hiếm gặp. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận 655 trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích vào điều trị. Trong đó, số trẻ bị tai nạn thương tích vào viện tăng mạnh trong dịp hè. Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Trong số bệnh nhân vào điều trị tại khoa mỗi tháng đều có các trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích. Tuy nhiên, con số này tăng cao trong dịp hè. Đặc biệt, từ tháng 6 trở lại đây, hầu như ngày nào cũng có trẻ bị bỏng, ngã, tai nạn xe vào điều trị tại khoa và tai nạn thương tích cũng được chia ra nhiều lứa tuổi. Chẳng hạn như trẻ từ 1-5 tuổi thì hay xảy ra bỏng dầu ăn, bỏng nước sôi; lứa tuổi từ 5-10 tuổi thì hay chạy nhảy dẫn đến bị ngã; còn trẻ trên 10 tuổi lại hay trèo cây. Chỉ tính riêng tháng 6-2017, số trẻ bị té ngã vào khoa trong tình trạng gãy chân, tay cần được phẫu thuật là 45 trường hợp, còn trong 20 ngày đầu tháng 7 con số này đã là 60 trường hợp.
Trên thực tế, tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em diễn ra khá phổ biến vì trẻ vốn hiếu động, thích khám phá, lại không nhận thức hết được những nguy hiểm có thể xảy ra. Gánh nặng về thương tích của trẻ không chỉ gây đau đớn cho trẻ lúc bị thương mà còn là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trong tổng số 70% ca chấn thương, thương tích và đuối nước ở trẻ em đều có thể phòng, tránh được. Cụ thể, các bậc phụ huynh không nên để trẻ nhỏ đến gần những nơi nguy hiểm như: bếp than, thiết bị điện, bình nước sôi; không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, hoặc các vật nhỏ dễ gây hóc (cúc áo, đồng xu, hòn bi...). Với những trẻ còn nhỏ luôn phải có người lớn ở bên cạnh chơi cùng, các trẻ lớn, thường hiếu động, thích leo trèo, nên cầu thang trong nhà phải có lan can, cửa sổ, ban công phải có rào chắn bảo vệ. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần tiếp cận với các kỹ năng xử lý tai nạn thương tích, sơ cứu kịp thời khi trẻ xảy ra tai nạn thương tích, dạy cho trẻ cách nhận biết và phòng tránh tai nạn thương tích...
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc