Multimedia Đọc Báo in

Tỉnh táo trước thông tin trên mạng xã hội

05:08, 21/07/2017

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin trên mạng xã hội Facebook về một vụ bắt cóc trẻ em diễn ra tại một xã vùng ven TP. Buôn Ma Thuột.

Thông tin được chia sẻ nhanh chóng, người đọc vừa phẫn nộ vừa hoang mang, lo sợ cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì xác định đây chỉ là trò đùa của một kẻ nào đó trên mạng xã hội nhằm câu like, câu view. Đây cũng là nguyên nhân của tin tức về một số vụ bắt cóc trẻ em ở các địa phương khác.

Tung một tin đồn lên mạng để thu hút sự chú ý của nhiều người có vẻ như là thú vui của không ít người trẻ, nhất là khi điều kiện để thực hiện những việc đó đang ngày càng trở nên dễ dàng. Đơn giản như chỉ cần viết đôi dòng giật gân kèm theo hình ảnh, thậm chí những đoạn phim được dàn dựng (tất cả đều có thể thực hiện chỉ bằng một chiếc smartphone bé bằng bàn tay) và post lên mạng xã hội. Sự kết nối rộng rãi khiến những thông tin kiểu như thế được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đôi khi chúng còn được tiếp sức bằng những bài báo giật gân của những nhà báo chuyên "hóng hớt" tin nóng từ mạng xã hội để viết bài câu like, câu quảng cáo mà không thèm kiểm chứng thông tin!

Hậu quả của những "fake news" (tin giả) như vậy đã  tạo ra những phản ứng xấu trong dư luận, làm tốn thời gian, công sức của cơ quan chức năng, thậm chí làm xấu hình ảnh của đất nước. Nhiều người hẳn còn nhớ vụ việc gây xôn xao dư luận về dàn siêu xe gắn biển xanh của một tỉnh miền Tây Nam Bộ được truyền trên mạng hồi đầu năm nay. Thông tin được đăng trên một diễn đàn về ôtô đã nhận được hàng nghìn lượt “like”, chia sẻ và bình luận tiêu cực. Sau khi cơ quan chức năng làm rõ, hóa ra dàn siêu xe ấy chỉ là ảnh chụp … xe đồ chơi và được chỉnh sửa bằng công nghệ photoshop. Hay clip về vụ một Việt kiều tranh cãi với nhân viên sân bay Tân Sân Nhất vì cho rằng hành lý của họ bị cắt khóa, lấy đồ tại sân bay Việt Nam cũng đã được xác định không phải là sự thật.

Một nhà báo từng công tác tại VTV đã rất xấu hổ khi được một người bạn nước ngoài chia sẻ clip ghi lại cảnh người bán trà đá ở Hà Nội thò chân vào xô nước rửa, sau đó lại dùng nước này rót cho khách. Tin này đã được chia sẻ trên nhiều trang Facebook của người nước ngoài kèm những lời bình luận miệt thị gay gắt về đất nước Việt Nam. Nhà báo ấy đã bức xúc vô cùng bởi đây chỉ là clip được dàn dựng và tải lên mạng nhằm câu like.

Để tránh nạn tin giả, tình trạng “làm báo tự phát” trên mạng xã hội, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin được đăng tải; xử lý kịp thời và nghiêm khắc, đủ tính răn đe với những người đăng tải thông tin sai trái lên mạng xã hội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ, khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh đó, bản thân những người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng, cần cân nhắc thật kỹ trước khi nhấn nút “like” (thích) hay “share” (chia sẻ) một thông tin nào đó bởi việc “like” hay “share” những thông tin sai sự thật trên mạng “ảo” có thể gây ra những hậu quả “thật” khôn lường!

Hải Như


Ý kiến bạn đọc