Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết chế độ cho nạn nhân da cam: Còn nhiều vướng mắc

09:08, 11/08/2017

Toàn tỉnh mới chỉ có trên 30% số người bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin được trợ cấp hằng tháng, nguyên nhân là do vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết chế độ.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2012 đến nay, việc giải quyết chế độ cho đối tượng nhiễm chất độc da cam thực hiện theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn nên quy trình ngày càng chặt chẽ, chính xác hơn. Hiện trong tổng số hơn 5.000 đối tượng phơi nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh, có 1.584 đối tượng, chủ yếu là người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ đã được hưởng chính sách ưu đãi.

Qua tìm hiểu được biết, hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 2.000 đối tượng chưa được hưởng chế độ, 1.000 hồ sơ tồn đọng. Một trong những vướng mắc trong công tác giải quyết chế độ là việc thực hiện Nghị định số 31 của Chính phủ, Thông tư số 05 của Bộ LĐTBXH, Thông tư liên tịch số 41 của Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH. Theo quy định tại Điều 27 và Điều 28, Thông tư 05 của Bộ LĐTBXH, hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học cần có một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học gồm: quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, được xác lập từ ngày 30-4-1975 trở về trước; sức khỏe hiện tại của người tham gia kháng chiến; tình trạng dị dạng, dị tật của con; chứng từ điều trị của bệnh viện; biên bản giám định bệnh tật của hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận bị mắc bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học… Trong khi đó, phần lớn đối tượng không còn lưu giữ được hồ sơ, lý lịch, giấy tờ liên quan đến người tham gia kháng chiến; công tác giải mã phiên hiệu đơn vị quân đội, xác định địa danh hoạt động kháng chiến còn nhiều khó khăn và chưa được công bố đầy đủ…

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin các cấp thăm hỏi, tặng quà một gia đình nạn nhân tại huyện Ea Kar.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin các cấp thăm hỏi, tặng quà một gia đình nạn nhân tại huyện Ea Kar.

Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh cho biết, trên 50% số hộ có nạn nhân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhà ở. Nhiều người đang mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, bị dị dạng, dị tật, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, chế độ trợ cấp của Nhà nước đối với họ đều rất quý, góp phần xoa dịu nỗi đau mà họ phải gánh chịu. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân tuổi cao, sức khỏe yếu vẫn đang thấp thỏm mong chờ những thay đổi về căn cứ, chính sách xét duyệt.

Trên thực tế, hầu hết hồ sơ của những nạn nhân chất độc da cam đủ điều kiện về mặt pháp lý đều đã được các cấp, ngành thẩm định, nhanh chóng giải quyết chế độ cho các đối tượng. Những trường hợp chưa đủ điều kiện đã được trả lời cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, những đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến không có hồ sơ gốc, tham gia kháng chiến sau năm 1975 tại địa bàn quân đội Mỹ rải chất độc hóa học và những người dân sinh sống trên địa bàn Mỹ rải chất độc hóa học từ tháng 8-1961 đến 30-4-1975 chưa được giải quyết chế độ.

Theo ông Lê Hải Lý, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTBXH, để giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với nạn nhân nhiễm chất độc da cam, Chính phủ cần sớm có văn bản hướng dẫn quy định thủ tục giải quyết đối với người có thời gian tham gia kháng chiến ở vùng bị rải chất độc hóa học nhưng không còn lưu giữ được giấy tờ gốc chứng minh có tham gia hoạt động ở chiến trường B, C, K từ ngày 10-8-1961 đến ngày 30-4-1975; sớm ban hành danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, quy định rõ những bất thường về sinh sản và cơ sở pháp lý để được công nhận. Đồng thời, mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi đối với người tham gia hoạt động kháng chiến sau năm 1975 và người dân sinh sống tại địa bàn quân đội Mỹ rải chất độc hóa học tại thời điểm đó.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.