Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ màu xanh Chư Yang Sin

17:16, 05/08/2017

Không quản nắng mưa, khó nhọc lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin ngày ngày vẫn nỗ lực gìn giữ màu xanh cho những cánh rừng nguyên sinh.

Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho biết, do địa hình có những dãy núi cao, vực sâu nên việc di chuyển trong Vườn gặp rất nhiều khó khăn. Đây là thách thức thực sự đối với các cán bộ kiểm lâm, đòi hỏi phải có sức khỏe, tình yêu rừng mới gắn bó được với nơi đây.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuần tra bảo vệ rừng.

Đúng như lời ông Nghĩa, nếu không có tình yêu mãnh liệt với rừng thì khó có thể chống chọi lại điều kiện khắc nghiệt ở rừng Chư Yang Sin. Với những dãy núi xếp tầng, để di chuyển sâu vào vùng lõi của Vườn cách duy nhất là đi bộ và mất rất nhiều thời gian. Do đó, đơn vị thường xuyên tổ chức những chuyến tuần tra dài ngày. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, Vườn đã tổ chức 218 đợt tuần tra dài ngày (thường kéo dài từ 3 - 6 ngày). Để có thể sống ở rừng trong khoảng thời gian này, hành trang của kiểm lâm không thể thiếu những vật dụng quen thuộc như chăn màn, võng, mắm muối, gạo, thức ăn… Công việc của kiểm lâm trong rừng không chỉ kiểm tra xem có người vào rừng hay không, mà còn phải quan sát kỹ lưỡng để tìm kiếm, gỡ bỏ những chiếc bẫy thú mà đối tượng săn trộm giăng mắc nhằm tránh gây hại cho các loài động vật. Quá trình di chuyển trong rừng, ngoài những con dốc cao hun hút thì thách thức không nhỏ đối với kiểm lâm Vườn còn là những loại côn trùng luôn chực chờ hút máu như vắt, ruồi vàng, muỗi…

Kiểm lâm viên Nguyễn Minh Đức có thời gian gắn bó với rừng Chư Yang Sin gần 20 năm nên hầu hết những con đường tuần tra, đường mòn trong lâm phần của Vườn quản lý, anh đều đã đặt chân đến. Rừng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. “Khổ mãi rồi cũng quen, giờ không đi rừng, leo núi, ngủ võng là thấy nhớ”, anh Đức tâm sự.

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin sử dụng chó nghiệp vụ trong tuần tra bảo vệ rừng.
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin sử dụng chó nghiệp vụ trong tuần tra bảo vệ rừng.

Sau chuyến tuần rừng vất vả, kiểm lâm Vườn trở về trạm - nơi có sóng điện thoại để liên lạc với gia đình, có điện để xem ti vi, nghe đài… Nhưng đối với những kiểm lâm ở Trạm Kiểm lâm số 10, đóng ở xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thì không được hưởng niềm vui này. Trạm 10 cách trụ sở của Vườn gần 200 km, nằm tách biệt với khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn và chịu tình trạng “3 không”: không sóng điện thoại, không điện, không chợ. Điểm bán thực phẩm gần trạm nhất cũng cách khoảng 20 km. Vào những ngày mưa không ra ngoài mua được thức ăn, thực phẩm chính của họ là cá khô. Trạm này phải quản lý diện tích rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, địa hình ở đây bằng phẳng, dễ bị các đối tượng xâm nhập do đó áp lực quản lý, bảo vệ hết sức nặng nề.  “Ở các trạm khác, 3 năm mới luân chuyển lực lượng một lần, nhưng ở trạm 10, do điều kiện khó khăn nhất nên cứ 2 năm đơn vị lại chuyển lực lượng giữ rừng nhằm động viên anh em yên tâm công tác, giữ vững an ninh rừng ở khu vực dễ “tổn thương” này”, ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho hay. 

Ngoài lực lượng giữ rừng thường xuyên, Vườn còn xây dựng được một lực lượng đông đảo hộ dân nhận khoán cùng tham gia bảo vệ rừng. Hiện tại, Vườn đã giao khoán bảo vệ cho 176 nhóm (1.438 hộ dân) với diện tích 40.558 ha rừng. Hằng năm, những hộ nhận khoán được hưởng nguồn kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Do vậy, người dân cũng có trách nhiệm cùng với kiểm lâm Vườn tham gia công tác tuần tra bảo vệ, phòng chống cháy rừng.  Nhờ thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm VQG Chư Yang Sin đã kịp thời phát hiện, xử lý những nguy cơ gây hại cho rừng, bảo vệ bền vững “viên ngọc xanh” quý giá này. 6 tháng đầu năm 2017, Vườn đã phát hiện và đuổi 164 đối tượng ra khỏi rừng, tịch thu, tháo dỡ  470 sợi dây bẫy, 5 khẩu súng tự chế, phá bỏ 9 lán trái phép.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.