Multimedia Đọc Báo in

Gương sáng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Một người Gia Rai chuyên làm "việc khó"

09:38, 08/08/2017

Ông Siu Lóa là người Gia Rai, sinh năm 1955 tại một buôn nghèo ở huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.

Sau ngày giải phóng, ông là một trong số ít thanh niên người dân tộc thiểu số vùng này tốt nghiệp Trường Sư phạm Cao Nguyên (nay là Đại học Tây Nguyên). Ông được phân công về dạy học tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) và gắn bó với mảnh đất này từ mấy chục năm nay. Thời điểm mới vào nghề giáo, vùng này còn nhiều người không biết chữ, do đó, ngoài dạy ở trường, thầy giáo trẻ tranh thủ dạy xóa mù miễn phí cho bà con, nhất là thanh thiếu niên. Dù cuộc sống còn nghèo khó, ông vẫn coi việc đưa cái chữ về với buôn làng là niềm vui lớn nhất của mình. Gần 20 năm làm nghề giáo (nghỉ chế độ năm 1992), nhiều thế hệ học trò của ông đã làm cán bộ, bác sĩ, hay giám đốc.

Rời bục giảng, ông Siu Lóa bắt tay vào làm kinh tế để nuôi các con ăn học, nhưng đất ít, cây ngô, đậu hiệu quả kinh tế thấp, nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Là người có hiểu biết, ông nhận ra rằng, ở vùng đất này mà muốn khá lên thì phải trồng cây công nghiệp dài ngày. Do đó, gia đình ông tích cực khai hoang và dùng tiền tích góp khi còn dạy học mua đất trồng cà phê. Nhờ cần cù và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cà phê luôn đạt năng suất cao, cuộc sống gia đình ông đỡ vất vả. Ông mua thêm đất và đưa các loại cây trồng mới vào canh tác để làm giàu. Đến nay, gia đình ông có tổng cộng 8 ha cà phê, tiêu và cây ăn quả, tổng thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Kinh tế khá giả, vợ chồng ông có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đàng hoàng, đến nay, cả 7 người con của ông đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. 

Ông Siu Lóa kiểm tra vườn tiêu của gia đình.
Ông Siu Lóa kiểm tra vườn tiêu của gia đình.

Là người có học thức, giỏi làm ăn, nhưng điều đáng trân trọng nhất ở Siu Lóa chính là những việc ông đã làm đối với buôn làng, nhất là người nghèo. Với kinh nghiệm của bản thân, ông thường “mách nước” cho bà con trong buôn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đầu những năm 2000, Ea Sol là địa phương có tình hình an ninh, trật tự phức tạp, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Khi đó, lãnh đạo địa phương đã mời “thầy” Siu Lóa nhận công tác tại Ủy ban MTTQ Việt Nam xã với vai trò kết nối khối đại đoàn kết toàn dân. Với uy tín của mình, ông thực sự trở thành cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân và xứng đáng, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Phát huy vai trò của người đảng viên, ông Siu Lóa luôn gương mẫu, tiên phong trong các công việc chung và góp sức phát triển buôn làng. Năm 2012, buôn Hoai, xã Ea Sol khuyết bí thư chi bộ, nhưng ai cũng e ngại với nhiệm vụ này, bởi đây là buôn đặc biệt khó khăn, gần 100% là người dân tộc thiểu số. Là người hiểu rõ tình hình đời sống, tâm tư của bà con, một lần nữa, ông Siu Lóa lại được giao "việc khó". Ngày ông mới về làm bí thư chi bộ, các hộ dân hầu hết thuộc diện nghèo, trẻ con không chịu đi học, thanh niên không chịu đi làm, nạn rượu chè, cờ bạc diễn ra phức tạp. Ông đến từng nhà nói chuyện, khuyên bọn trẻ chăm chỉ đến trường, động viên bà con nỗ lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Ông hướng dẫn bà con trong buôn cách làm ăn, kết hợp đa cây, đa con để phát triển kinh tế. Với  thanh niên, Siu Lóa nói về tác hại của rượu chè, chấp hành luật lệ giao thông và động viên họ đi học nghề, chí thú làm ăn. Một số bạn trẻ gia cảnh khó khăn, ông kêu về phụ làm rẫy cho gia đình mình để có công ăn việc làm và học cách chăm sóc các loại cây trồng. Nghe Siu Lóa nói điều hay lẽ phải, bà con trong buôn chăm lo làm ăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm lo cho con cái học hành. Đến nay, diện mạo buôn Hoai khác hẳn, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thanh niên không còn ăn chơi, trẻ con không còn bỏ học, trong buôn đã có em đậu đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, bà con trong buôn đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và tự nguyện đóng góp tiền, hiến đất hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới.

Với những đóng góp trong cộng đồng dân tộc thiểu số, ông Siu Lóa được Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên, cùng nhiều phần thưởng khác của địa phương. Tuy nhiên, nói về những việc làm của mình, ông chỉ khiêm tốn: “Vui nhất là được bà con nghe và tin tưởng”.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.