Multimedia Đọc Báo in

Mái ấm mới cho trẻ mồ côi

08:29, 16/08/2017

Chùa Bửu Thắng cơ sở 2 thuộc địa bàn thôn 1, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột do sư cô Thích Nữ Huệ Huyền trụ trì đã đi vào hoạt động từ tháng 5-2017, nhà chùa đảm nhận việc chăm sóc trẻ mồ côi từ chùa Bửu Thắng cơ sở 1 thị xã Buôn Hồ chuyển đến.

Trong số gần 50 đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây, có 6 trẻ sơ sinh, 2 em bị khuyết tật, còn lại đang đi học từ mẫu giáo đến lớp 12. Các em sinh ra đã không được may mắn như bao đứa trẻ khác, không được nhận trọn vẹn tình yêu thương của cha mẹ. Gần đây nhất có trường hợp của 2 em Huỳnh Thị Phước Khai và Huỳnh Phước Minh Tâm bị bỏ rơi trước cổng chùa khi chỉ 1-2 ngày tuổi. Trường hợp của em Huỳnh Phước Mai (3 tuổi) cũng  tương tự, khi mới lọt lòng, Mai bị bỏ rơi ở rẫy cà phê thuộc địa bàn huyện Krông Búk, được một cụ già đi mót củi phát hiện đem đến chùa gửi. Mai bị tật từ lúc mới sinh, hai tay ngắn ngủn, sát vào phần vai… Mỗi mảnh đời một câu chuyện buồn, những đứa trẻ ở đây còn quá nhỏ nên chưa nhận thức được hết sự mất mát đó.

Sư cô Huệ Huyền (đứng) cùng phật tử và các cháu nhỏ ở cơ sở mới.
Sư cô Huệ Huyền (đứng) cùng phật tử và các cháu nhỏ ở cơ sở mới.

So với cơ sở 1 thì cơ sở 2 này có điều kiện nuôi dạy trẻ thuận lợi hơn, với đầy đủ phòng ăn, phòng học, phòng ngủ, phòng khám bệnh, ngoài ra còn có một khoảng sân rộng làm công viên cho các em vui chơi, sinh hoạt. Sư cô Huệ Huyền chia sẻ: “Nhà chùa coi các cháu ở đây đều là con của mình nên cố gắng tạo dựng một môi trường đầy tình yêu thương, nhân ái, nuôi dưỡng các cháu đến lúc trưởng thành”. Hiện nay, nhà chùa thuê 5 người cùng với sư cô Huệ Huyền chăm sóc các em, trong đó có 2 người chuyên lo việc chăm sóc 6 trẻ sơ sinh và họ đã dành trọn tình yêu thương để bù đắp một phần thiệt thòi của các cháu. Tiếp nối việc công đức ở cơ sở 1, cơ sở 2 cố gắng nuôi dưỡng các em nên người, tạo điều kiện cho các em được học hành đầy đủ. Hằng ngày có xe của nhà chùa đưa đón đi học, sau giờ học ở trường lại được cô giáo do nhà chùa thuê về dạy bổ sung kiến thức. Không phụ lòng các sư cô, biết vượt lên hoàn cảnh, nhiều em đã học hành chăm chỉ như trường hợp em Huỳnh Hải Yến được nhận nuôi từ nhỏ, là người chị cả, đã đạt thành tích tốt trong học tập. Hải Yến chia sẻ: “Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học vừa rồi, em đã trúng tuyển vào Trường Đại học Tây Nguyên, nguyện vọng theo ngành Y để sau này có thể trở lại chùa và chăm sóc các em nhỏ”.

Dù chỉ mới đi vào hoạt động, nhà chùa hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có kinh phí ổn định, bữa cơm ngày nào lo ngày đó bởi còn tùy thuộc vào các nhà hảo tâm nhưng các sư cô vẫn luôn cố gắng lo đủ bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Để những phận đời kém may mắn có một “mái ấm” thực sự và san sẻ bớt gánh nặng “cơm áo” cho nhà chùa, hơn lúc nào hết rất cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, sự chung tay sẻ chia của những tấm lòng thơm thảo.

Vân Trình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.