Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa cho người nghèo ở Ea Kar

09:09, 27/09/2017

Cách đây vài năm, gia đình anh Lăng Văn Phong (dân tộc Nùng, thôn 15, xã Cư Yang, huyện Ea Kar) là một trong những hộ nghèo của xã.

Nhà có 5 sào đất vườn, nhưng do thiếu vốn làm ăn, gia đình anh vẫn mãi luẩn quẩn với cái nghèo. Năm 2007, anh quyết định vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và mượn thêm của người thân để mua 3 con bò con về nuôi. Chọn hướng này để phát triển kinh tế gia đình vì anh Phong cho rằng, trước mắt sẽ tận dụng được sức kéo, nguồn phân để bón cho cây cà phê và coi như một cách “lấy ngắn nuôi dài”. Phấn khởi vì có được nguồn hỗ trợ ban đầu, anh chăm chỉ làm ăn và thường xuyên tìm tòi, học hỏi từ các mô hình khác, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi..., nhờ vậy đàn bò của anh tránh được các loại dịch bệnh. Xuất chuồng lứa đầu tiên, anh đã trả được vốn vay.

Nghĩ đến kế lâu dài, đầu năm 2013, anh mạnh dạn tiếp tục vay thêm 15 triệu đồng nữa để mở rộng chuồng trại, nhân con giống và cải tạo vườn cà phê. Đến nay, đàn bò của gia đình anh Phong đã lên đến 14 con. Ngoài ra, anh còn cung cấp, phân phối con giống và giới thiệu mô hình sản xuất cho các hộ nghèo khác trong và ngoài xã; mua thêm đất để trồng cây ăn quả. Gia đình anh cũng đã thoát nghèo, kinh tế có phần khấm khá, cuộc sống ổn định hơn, cho thu nhập lên đến trên 150 triệu đồng mỗi năm.

Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Lăng Văn Phong đã đầu tư nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình.   Ảnh: Đ. Lan
Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Lăng Văn Phong đã đầu tư nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình. 

 

Ông Ngô Trọng Thắng, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Ea Kar cho biết: Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho vay được gần 76 tỷ đồng, với 3.845 lượt hộ vay vốn.

Bên cạnh đó, chương trình vay vốn ưu đãi cho học sinh, sinh viên triển khai trên địa bàn thời gian qua cũng đã mang lại hiệu quả cao, kịp thời giúp đỡ những sinh viên nghèo có điều kiện theo học đến nơi đến chốn. Chồng mất sớm, một mình chị Nguyễn Thị Tiến (thôn 5, xã Cư Yang) phải rất vất vả để nuôi 5 con ăn học. Năm 2007, khi 3 người con đều theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh, kinh tế gia đình càng túng thiếu, các con của chị đã từng nghĩ đến việc phải bỏ dở ước mơ giảng đường vì không có tiền để trang trải các khoản ăn, học nơi phố thị. Rất may là trong thời gian đó, chị Tiến vay được 72 triệu đồng theo gói ưu đãi học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để lo cho các con đi học. Hiện 3 người con của chị đều đã ra trường, xin được việc làm ổn định với mức thu nhập khá, tự nuôi sống bản thân và còn hoàn trả số tiền đã vay của ngân hàng trước thời hạn.

Trên thực tế, có hàng trăm hộ gia đình khác ở huyện Ea Kar đã vươn lên thoát nghèo, nuôi các con ăn học thành tài nhờ vay vốn chính sách. Tại các địa phương như xã Cư Yang, Ea Ô..., từ nguồn vốn vay, cùng với sự định hướng, giúp sức của chính quyền, đoàn thể địa phương, nhiều mô hình kinh tế đã được hình thành, phát huy hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Bà Vũ Thị Sen, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô cho biết, xã có đến gần 40% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần giúp xã ổn định về an ninh trật tự, nâng cao đời sống của bà con. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm bình quân 5-7%/năm; năm 2015 Ea Ô là xã đầu tiên của huyện Ea Kar về đích nông thôn mới.

Có thể nói, chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự trở thành nguồn lực quan trọng, là giải pháp thiết thực giúp huyện Ea Kar phát triển kinh tế - xã hội.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.