Multimedia Đọc Báo in

"Dịch vụ gia đình" mang lại nhiều hiệu quả

08:51, 25/10/2017

Thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt là phụ nữ nghèo, chưa có việc làm ổn định, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai thực hiện mô hình “Dịch vụ gia đình” với những hiệu quả thiết thực.

Trong căn nhà nhỏ tọa lạc tại số 79 đường Lý Thường Kiệt, từng chồng giấy xếp gần chật kín lối đi, hơn chục chị em ngồi gấp, quét hồ, dán giấy, đóng tập... một cách thuần thục, cần mẫn.

Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Thắng Lợi, kiêm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ, đồng thời cũng là người đứng ra thành lập mô hình dịch vụ dán và đóng sách vở gia công cho biết: “Dịch vụ này thực hiện công đoạn cuối của ngành in, gồm đóng bìa sách, dán bao bì, túi đựng hồ sơ... Các mối hàng đưa đến đây nhiều, nên công việc và thu nhập của mọi người tương đối ổn định. Hiện nay có 15 người tham gia làm việc tập trung với mức thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng”.

Bà Hoàng Thị Hồng Hải (bìa trái) kiểm tra sản phẩm trước khi hoàn thiện.
Bà Hoàng Thị Hồng Hải (bìa trái) kiểm tra sản phẩm trước khi hoàn thiện.

Để có được sự hoạt động thành công như ngày hôm nay là những khởi đầu nhiều khó khăn, vất vả: từ liên hệ tìm mối hàng đến việc thực hiện đảm bảo về thời gian và chất lượng sản phẩm... Dần dần “tiếng lành đồn xa”, khách hàng nhiều nơi tự tìm đến, nhờ đó giữ được nguồn hàng dồi dào, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. 

“Có thời điểm mọi người làm việc tập trung tại đây lên tới hơn 20 người. Tuy công việc đơn giản, nhẹ nhàng, thời gian chủ động, có thể tranh thủ làm trong lúc rảnh rỗi nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù, nên hầu như ai làm công việc này cũng đều rất chịu khó; không những làm tập trung, nhiều người còn mang về nhà làm để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, số giấy vụn không sử dụng đến được các chị gom lại và bán gây quỹ để thăm hỏi khi ốm đau, hiếu, hỷ. Hằng tháng, các chị em còn góp vốn xoay vòng, tạo điều kiện cho những ai cần vốn vay trước để giải quyết công việc gia đình...”, bà Hải vui vẻ chia sẻ.

Đó chỉ là một trong nhiều mô hình “Dịch vụ gia đình” hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Có thể kể thêm một số mô hình điển hình như: dịch vụ nấu ăn ở phường Tân Hòa và các xã Ea Tu, Hòa Thuận... nhận tổ chức các dịch vụ lễ tân cho thuê rạp, bàn ghế, chén bát..., nấu cỗ phục vụ tiệc cưới, hỏi, đám giỗ, sinh nhật.

Trong quá trình hoạt động, hội viên tự đóng góp kinh phí trang bị các vật dụng, vốn kinh doanh để duy trì và phát triển, và đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nữ trên địa bàn. Hay như mô hình dịch vụ trông giữ trẻ ở phường Tân An, Tự An đã tổ chức các điểm giữ trẻ liên gia, nhóm trẻ gia đình, hỗ trợ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh con, nuôi con nhỏ có điều kiện đi làm, kinh doanh, sản xuất, học tập.

Chị Đỗ Thị Kim Dũng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Mô hình “Dịch vụ gia đình” được hình thành nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em trên cơ sở đáp ứng, hỗ trợ cho các hộ có nhu cầu cần thuê người lao động làm việc cả ngày hoặc bán thời gian để làm các công việc gia đình.

Tính từ thời gian triển khai vào năm 2013, đến nay đã có hàng chục mô hình được thành lập, hơn 100 thành viên tham gia, với các hoạt động đa dạng, phong phú như: phục vụ ăn uống, hiếu hỷ; trông giữ trẻ; may gia công; dán và đóng sách vở gia công; dọn vệ sinh khu nghĩa trang thành phố... Qua đó đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho hội viên, đặc biệt là các chị em có hoàn cảnh khó khăn được ổn định cuộc sống, với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Dịch vụ gia đình”, trong đó chú trọng đến việc lựa chọn xây dựng những mô hình phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện của địa phương...

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.