Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Chính sách dân số thực sự đã tác động đến đồng bào

08:58, 25/10/2017

Thực hiện Nghị định 39/2015/NĐ-CP ngày 27-4-2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách, từ năm 2016 đến nay, các cấp ngành liên quan của huyện Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo Nghị định 39, phụ nữ là người DTTS hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người DTTS thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp: sinh một hoặc hai con; sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên… sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người. Để được nhận tiền hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại tiền hỗ trợ; thời điểm hỗ trợ được tính từ tháng đầu sau khi sinh con.

Cán bộ dân số xã Đắk Nuê tuyên truyền về chính sách dân số cho 1 hộ dân tại buôn Dhăm 1.
Cán bộ dân số xã Đắk Nuê tuyên truyền về chính sách dân số cho 1 hộ dân tại buôn Dhăm 1. 

Trên địa bàn huyện Lắk có 8 xã nằm trong danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg, ngày 26-6-2014 được triển khai thí điểm thực hiện Nghị định gồm: Yang Tao, Bông Krang, Buôn Triết, Đắk Nuê, Đắk Phơi, Krông Nô, Nam Ka và Ea R’bin. Theo thống kê, năm 2016 tổng số đối tượng khảo sát được hưởng chính sách hỗ trợ là 308 trường hợp, trong đó có 191 chị em đã ký cam kết thực hiện Nghị định 39, đến nay đã có 188 trường hợp nhận tiền hỗ trợ 376 triệu đồng.

Tại xã Đắk Phơi, năm 2016 có 32 chị em ký cam kết thực hiện chính sách dân số theo Nghị định 39, đến nay các trường hợp này đã nhận tiền hỗ trợ, năm 2017 có 6 trường hợp đã ký cam kết, đang chờ kinh phí hỗ trợ từ cấp trên. Chị H’Thái Liêng Hot, buôn Pai Ar chia sẻ, vợ chồng chị kết hôn từ năm 2013, đến nay đã có 1 con trai 4 tuổi, qua các buổi tuyên truyền của chi hội phụ nữ buôn và Hội Phụ nữ xã Đắk Phơi, chị đã cam kết thực hiện sinh con đúng chính sách dân số.

Chị H’Tuyết Ông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đắk Phơi đánh giá, Đắk Phơi là xã nghèo, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, trước đây nhận thức của người dân chưa đầy đủ nên vẫn còn nhiều gia đình có quan niệm lạc hậu “đông con hơn giòn của”. Những năm gần đây, đặc biệt từ khi chính sách dân số theo Nghị định 39 được tuyên truyền sâu rộng, suy nghĩ của người dân về việc sinh con ít, đúng kế hoạch đã có nhiều chuyển biến. Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 1 năm các trường hợp đã ký cam kết đều không vi phạm quy định.

Cán bộ phụ nữ xã Đắk Phơi tuyên truyền về các biện pháp tránh thai tại gia đình chị H’Thái Liêng Hot.
Cán bộ phụ nữ xã Đắk Phơi tuyên truyền về các biện pháp tránh thai tại gia đình chị H’Thái Liêng Hot.

Tương tự, tại xã Đắk Nuê, năm 2016 có 56 trường hợp thực hiện ký cam kết sinh con đúng chính sách dân số, đến nay tất cả các trường hợp này đều đã nhận tiền hỗ trợ tổng số 112 triệu đồng. Năm 2017, xã đã lập danh sách, có 32 trường hợp thực hiện ký cam kết đang chờ tiền hỗ trợ.

Chị H’Sim Buôn Đáp, buôn Dhăm 2 bộc bạch: “Qua chứng kiến những gia đình trong buôn, vì đẻ dày đẻ nhiều dẫn đến nghèo khổ, mình hiểu hơn ai hết nỗi khổ của những người đông con. Cũng vì đông con, nhiều đứa trẻ trong buôn không có điều kiện đến trường hoặc phải nghỉ học phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy. Vì thế, sau khi nghe cán bộ dân số xã giải thích những nỗi khổ của việc sinh dày, sinh nhiều con, vợ chồng mình đã bàn tính với nhau chỉ sinh 1 đến 2 con và ký vào bản cam kết”.

Đó mới chỉ là kết quả bước đầu, thực tế triển khai Nghị định này, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Lắk cho biết, trong quá trình khảo sát đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ vẫn còn thiếu sót, sai đối tượng do mốc thời gian sinh con không đúng quy định, không có sổ hộ nghèo.

Đơn cử như tại xã Bông Krang chỉ có 62 đúng tiêu chuẩn/70 đối tượng được khảo sát; xã Krông Nô 54/55 đối tượng; xã Nam Ka 21/23 đối tượng… Không những thế, nhận thức của người dân về chính sách dân số đôi khi còn hạn chế nên vẫn còn nhiều trường hợp không giám ký vào bản cam kết, vì sợ vi phạm sau khi nhận tiền hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp muốn thực hiện sinh con đúng chính sách dân số song do áp lực của dòng họ nên mặc dù ký cam kết rồi nhưng không nhận tiền hỗ trợ, đơn cử như tại xã Yang Tao có 7 trường hợp ký thì chỉ có 5 trường hợp nhận tiền.

Hoàng Tuyết

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.