Làng rau ở Ea Rốk
Cần mẫn, chịu khó, lại được thiên nhiên ưu đãi, từ nhiều năm nay, người dân thôn 15, xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) đã hình thành nên một làng rau xanh để cung ứng rau an toàn cho bà con trong và ngoài huyện.
Thôn 15 có gần 100 hộ dân sinh sống, đa phần phát triển kinh tế bằng nghề trồng trọt, chăm sóc rau xanh. Dạo một vòng quanh làng, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những đồng rau xanh ngát với đủ loại: mướp ngọt, mướp đắng, rau ngót, dưa leo, muống, đậu ve… Do quỹ đất có phần dồi dào, ở thôn lại có hồ nước ngọt rộng hàng chục héc-ta nên lượng nước tưới tiêu cho rau củ nơi đây luôn được bảo đảm, khí hậu được điều hòa. Vì là nguồn thu thập chính của nhiều hộ dân nên rau được bà con trồng quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là mùa khô và dịp lễ, Tết.
Một vườn mướp trĩu quả của người dân ở thôn 15. |
Sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lại tất bật làm đất, chuẩn bị giống, phân bón… cho vụ mới. Xác định trồng rau trước là để phục vụ gia đình, sau mới bán ra thị trường nên họ thường hướng đến các giải pháp trồng rau an toàn. Không khó để bắt gặp hình ảnh trên ruộng dưa, người lớn thì thu hoạch, còn trẻ con ngồi cạnh hái quả ăn một cách ngon lành.
Để có vườn rau củ an toàn, người dân có những cách thức riêng. Chị Nguyễn Thị Thơ cho biết, trước khi trồng, gia đình chị thường ủ phân hoai mục, đưa xuống các rãnh luống, sau đó trải màng phủ nông nghiệp (còn gọi là bạt) lên rồi mới gieo giống. Sau thu hoạch, gia đình thường phơi đất vài ngày giúp cây trồng ít sâu bệnh, lợi phân bón. Nhờ kỹ thuật chăm sóc này, vườn rau xanh của gia đình chị Thơ cho năng suất khá cao; từ chỗ cuộc sống khó khăn, kinh tế đã dần ổn định.
Là một trong những hộ trồng nhiều rau nhất trong làng, bà Hoàng Thị Cần cho biết, gia đình hiện có 4 sào rau xanh, mỗi vụ gieo trồng thu về khoảng 8 tạ - 1 tấn rau; trung bình mỗi tháng bà bán được từ 5 – 6 triệu đồng. Còn với gia đình bà Phạm Thị Hải, từ khi áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, cả nhà đỡ hẳn công lao động, vườn rau ngót hơn 2 sào cũng nhờ đó tươi tốt hơn. Bà cười tươi: “Khi vào mùa, mỗi ngày gia đình tôi có thể bán được 700 – 800 nghìn đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng thêm chanh, na, lúa, đậu… để tăng thêm thu nhập”.
Bên cạnh mang lại nguồn thu chính cho nhiều gia đình, người trồng rau ở Ea Rốk cũng đối mặt với không ít khó khăn như được mùa mất giá, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Thực tế, nhiều vụ rau (thậm chí cả nông sản: dưa hấu, lúa…) do người dân trồng ồ ạt khiến giá cả thị trường xuống thấp, gây thất thu cho nhiều gia đình; tương tự, do thấy vụ trước được mùa, nhiều người đổ xô trồng một loại rau giống nhau dẫn đến ế thừa, trong khi các loại rau trồng khác bị thiếu hụt...
Đại diện Hội Phụ nữ xã Ea Rốk tham quan vườn rau của gia đình bà Phạm Thị Hải (ở giữa). |
Để hỗ trợ bà con, các địa phương biết đến làng rau nhiều hơn, đầu năm 2017, Hội Phụ nữ xã Ea Rốk đã xây dựng mô hình trồng rau an toàn tại thôn 15, với mong muốn giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Chị Hoàng Thị Là, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, mặc dù là vùng trồng rau lâu năm, nhưng sản phẩm làng rau ở thôn 15 vẫn chưa thực sự có được chỗ đứng trên thị trường, sản lượng rau chủ yếu cung cấp cho các xã lân cận là chính. Vì vậy, sau khi thành lập mô hình, hy vọng bà con sẽ chú trọng hơn nữa đến việc sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nhân rộng mô hình trồng để có năng suất, sản lượng cao hơn.
Với mục đích nói trên, dù mới được thành lập, nhưng mô hình trồng rau an toàn của Hội Phụ nữ xã đã nhận được sự đồng thuận của rất nhiều hội viên. Chị Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Súp tâm tình: Để hỗ trợ các hội viên, chúng tôi mong được hỗ trợ thêm về vốn cho các hộ sản xuất. Khi địa phương mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chúng tôi sẽ cùng phối hợp, tạo điều kiện cho các hộ tham dự.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc